Cần chủ động xuống giống sớm để né mặn

2023-09-19 10:31:26

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân xuống giống theo đúng lịch khung thời vụ đã đưa ra.

Theo dự báo của ngành chức năng, mùa khô 2023-2024 ở ĐBSCL khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt là rất lớn. Đồng thời, diễn biến xâm nhập mặn sẽ khó lường, nguy cơ xuất hiện sớm và sâu hơn. Do đó, để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương cần chủ động xuống giống sớm, xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn…

Theo Cục Trồng trọt, diện tích gieo trồng lúa của vùng ĐBSCL năm 2023 ước đạt trên 3,8 triệu ha, tăng hơn 13.000ha; năng suất ước đạt gần 63 tạ/ha và sản lượng ước đạt gần 24 triệu tấn, tăng 416.000 tấn so với cùng kỳ năm 2022. Vụ Đông Xuân 2023-2024, vùng ĐBSCL có kế hoạch xuống giống gần 1,5 triệu ha.

Tuy nhiên, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam dự báo, xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm, một số thời điểm tương đương năm 2015-2016, 2019-2020. Ngoài ra, dòng chảy mùa khô năm 2023-2024 thuộc vào nhóm năm ít nước, diễn biến xâm nhập mặn phức tạp, phụ thuộc vào vận hành của các hồ thủy điện trên lưu vực.

Trước tình hình đó, Cục Trồng trọt dự báo nguồn nước cho sản xuất lúa Đông Xuân sẽ gặp nhiều khó khăn. Xuống giống lúa Đông Xuân trong tháng 10 sẽ có một số bất lợi ở giai đoạn đòng trổ của cây lúa và thường cho năng suất không cao.

Tuy nhiên lại khá an toàn đối với vùng bị ảnh hưởng của hạn, mặn, do vậy đây là sự lựa chọn an toàn trong giai đoạn hiện nay, về lâu dài vùng khó khăn này cần được chuyển sang cơ cấu 2 lúa- 1 màu. Hiện Cục Trồng trọt đã đưa ra khung thời vụ và diện tích xuống giống cụ thể cho từng vùng ở ĐBSCL trong vụ Đông Xuân tới.

Cụ thể, từ ngày 10-30/10, vùng cần xuống giống sớm để né mặn khi vào cuối vụ, thiếu nước như vùng ven biển Nam Bộ gồm các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang. Tổng diện tích khoảng 375.000ha, chiếm khoảng 26% diện tích vụ Đông Xuân.

Trong tháng 11, xuống giống đợt 1 cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa (trong đó có tỉnh Vĩnh Long) và vùng ven biển với khoảng 700.000ha, chiếm khoảng 46%. Trong tháng 12, xuống giống đợt 2 với diện tích khoảng 400.000ha, chiếm khoảng 26%. Một số vùng xuống giống vụ lúa Đông Xuân muộn thì thời gian kết thúc là trước ngày 10/1/2024.

Để đảm bảo năng suất, chất lượng lúa vụ Thu Đông 2023, Đông Xuân 2023-2024, ngành nông nghiệp khuyến cáo hoạt động sản xuất chọn giống chất lượng tốt có khả năng chống chịu tốt với điều kiện thời tiết và dịch bệnh khi gieo sạ; tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống tập trung; tăng cường quản lý sâu bệnh, thực hiện tốt khâu vệ sinh đồng ruộng; tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất lúa và phòng trừ sâu bệnh nên đã hạn chế được thiệt hại xảy ra.

Bên cạnh đó, để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa, ngành còn khuyến cáo nông dân nên áp dụng các mô hình như: IPM, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, mô hình công nghệ sinh thái, áp dụng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV, bón phân cân đối.

Tại Vĩnh Long, theo Sở Nông nghiệp-PTNT, ước tính diện tích gieo trồng lúa cả năm 2023 qua 3 vụ sản xuất đạt trên 111.000ha, đạt 102,8%, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện tại đã thu hoạch gần 77.800ha, ước năng suất lúa bình quân đạt 63,4 tạ/ha, tăng hơn 51 kg/ha.

Để sản xuất thắng lợi vụ Đông Xuân, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Thời gian tới, khuyến cáo nông dân bố trí thời vụ theo hướng tập trung “né rầy”, đồng loạt trên từng khu vực; không nên xuống giống kéo dài so với khung lịch chung.

Đặc biệt, vùng có nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino cần xuống giống sớm ở thời điểm cuối vụ. Khuyến cáo nông dân phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận hoặc tương đương, hạn chế canh tác giống chất lượng thấp.

Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền, khuyến cáo đến người dân tổ chức sản xuất an toàn (xuống giống theo đúng lịch thời vụ phù hợp với dự báo về nguồn nước, nguy cơ xâm nhập mặn, có phương án tích trữ nước, vận hành hệ thống bơm tưới…); tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhằm hướng đến việc hướng dẫn nông dân các địa phương giảm dần diện tích lúa, chuyển đổi sang trồng các cây rau màu ít sử dụng nước tưới, có khả năng chịu hạn hoặc nuôi trồng thủy sản…

Nông dân cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất.

Trong vụ Đông Xuân tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Hoàng Trung yêu cầu các địa phương cần chú trọng lựa chọn, ưu tiên các giống lúa cho năng suất cao và phục vụ xuất khẩu. Cân đối vừa phải tỷ lệ giữa chế biến cũng như nhóm giống đặc sản, lúa thơm, phát huy lợi thế của vùng.

Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra; bố trí nguồn lực để nạo vét kinh, mương, kiểm tra và gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, các cửa cống ngăn triều cường, mặn và có kế hoạch vận hành các cống ngăn triều kịp thời.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và xâm nhập mặn, kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn, thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn; nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất…

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Theo vietlinh.vn, ngày 19/09/2023


Xem thêm