Giá heo hơi chưa có dấu hiệu dừng lại, người chăn nuôi cẩn trọng tái đàn

2022-10-24 09:02:09

Người chăn nuôi cẩn trọng tái đàn phục vụ Tết Quý Mão

Với những biến động kinh tế, thị trường hiện nay, người chăn nuôi muốn tái đàn, mở rộng đàn gia súc, gia cầm để tăng lượng thịt cung ứng cho dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 phải tính toán kỹ lưỡng.

Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm quy mô nông hộ. (Ảnh: TTXVN)

Chỉ còn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu thực phẩm cho ngày Tết cũng sẽ tăng lên; trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm.

Chính vì vậy, ngay từ bây giờ người chăn nuôi cũng chuẩn bị nguồn thịt cung ứng cho người tiêu dùng đón Tết. Tuy nhiên, với những biến động kinh tế, thị trường hiện nay, người chăn nuôi muốn tái đàn, mở rộng đàn gia súc, gia cầm để tăng lượng thịt cung ứng cũng phải tính toán kỹ lưỡng.

Nhiều nỗi lo tái đàn
Qua khảo sát nhiều địa phương, thời gian qua, giá lợn hơi biến động giảm, nhưng giá thức ăn chăn nuôi và giá vật tư đầu vào của ngành chăn nuôi vẫn không có sự thuyên giảm. Thêm vào đó, biến động giá đồng USD tăng cũng góp phần tác động vào giá thức ăn chăn nuôi khó có thể giảm. Những điều này khiến cho người chăn nuôi có thể sẽ gặp rủi ro, thua lỗ nếu tái đàn để phục vụ Tết Nguyên đán mà không tính toán kỹ.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện giá lợn hơi bán tại các trại chăn nuôi dao động từ 55.000  đến 58.000 đồng/kg, giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với tuần trước đó. Giá các loại lợn non với trọng lượng dưới 80 kg/con và lợn mỡ trên 140 kg giá bán ra dưới 50.000 đồng/kg.

Với chi phí đầu vào hiện nay, giá thành sản xuất 1kg lợn hơi tăng lên mức 55.000 đồng/kg, nếu đàn lợn tăng trưởng không tốt hoặc hao hụt vì dịch bệnh cao thì giá thành có thể đội lên trên 60.000 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ đang “gồng mình” gánh lỗ

Thêm vào đó, kể từ ngày 6/10/2022, hồ sơ kiểm dịch đối với lợn vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh với mục đích làm giống, giết mổ phải có thêm kết quả xét nghiệm đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Kết quả xét nghiệm được gửi kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch. Người chăn nuôi e ngại đây sẽ là một khoản chi góp phần tăng thêm chi phí sản xuất trong chăn nuôi lợn.

Ông Nguyễn Văn Đạo, chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai chia sẻ từ đầu năm đến nay, giá lợn có nhiều đợt biến động theo chiều hướng ngày càng giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi, chỉ có lên chứ không xuống. Dự báo giá thức ăn chăn nuôi từ nay đến cuối năm có thể tiếp tục tăng chứ không giảm, khiến người chăn nuôi e ngại phải tiếp tục gánh lỗ.

Thêm vào đó, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Khi đồng USD liên tiếp lập đỉnh trong vòng 20 năm trở lại đây đã gây khó khăn không nhỏ đến ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Gần đây, giá nhiều nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như: ngô, đậu nành, lúa mì… có xu hướng tăng trở lại sau thời gian “hạ nhiệt.”

Nguyên nhân chính là do dự báo nguồn cung của thị trường thế giới sẽ giảm do nhiều nguyên nhân; trong đó có nguyên nhân nhiều nước e ngại mất mùa do ảnh hưởng bất lợi của thiên tai, thời tiết. Chính vì vậy, người chăn nuôi muốn tái đàn, tăng đàn nhưng vẫn lo ngại chi phí và giá bán ra không giúp người chăn nuôi có lãi nên vẫn trong tâm thế chần chừ, e ngại tái đàn.

Cùng tâm lý e ngại này, ông Nguyễn Minh Lý, ngụ ấp 1, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhập 2.000 con gà giống Minh Dư, Bình Định để chuẩn bị cho vụ quan trọng nhất trong năm Tết Nguyên đán 2023. So với vụ năm ngoái, ông Lý chủ động giảm đàn gần 1.000 con.


Một trang trại chăn nuôi gà đẻ. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Lý, mặc dù hiện đầu ra sản phẩm khá tốt, song giá cám tăng quá cao, giá gà thương phẩm lại không tăng. Trong khi đó, gà của ông Lý được nuôi bằng thảo dược, thời gian nuôi kéo dài khoảng 5 tháng, chi phí tăng lên khá cao.

Trung bình 1kg gà, hiện ông Lý phải đầu tư khoảng 60.000 đồng. Đây là một hạn chế lớn khó cạnh tranh với những trang trại chỉ nuôi thời gian từ hơn 3 tháng. Vụ cuối năm người chăn nuôi phải đối mặt với rủi ro cao do thời tiết bất lợi.

Chủ động phòng dịch để đạt hiệu quả cao
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang rà soát lại số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn, để có kế hoạch tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp và có lợi thế để bảo đảm chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm 2022.

Ngoài ra, để bảo đảm tái đàn hiệu quả và giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, thị trường cũng như thực hiện nghiêm túc các quy định trong chăn nuôi.

Ngoài nhập con giống rõ nguồn gốc, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine, người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết vào khẩu phần ăn cho vật nuôi.

Các cán bộ ngành chăn nuôi cũng khuyến khích người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng bảo đảm chất lượng và phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ.

Dịch bệnh gây tác hại không kém việc giá bán lợn ra thấp hơn giá thành sản xuất. Đây luôn là nỗi lo của người chăn nuôi. Bà Nguyễn Thị Thảo, hộ chăn nuôi lợn tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai chia sẻ, rủi ro tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi là rất lớn.

Hiện nay, khi xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi, người nuôi không phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn như trước nhưng vẫn cầm chắc thua lỗ nặng vì có thể mất trắng đàn hoặc phải bán lợn non chạy dịch với giá rẻ.

Chính vì vậy, ngành chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cũng đã hướng dẫn, tuyên truyền người chăn nuôi luôn trong tâm thế chủ động phòng dịch để hạn chế những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Ngành nông nghiệp đã phối hợp, hướng dẫn địa phương tổ chức tiêu hủy gia súc, gia cầm bệnh chết theo quy định, thực hiện lấy mẫu giám sát chủ động để phát hiện lưu hành mầm bệnh đưa ra biện pháp xử lý kịp thời, khống chế tốt, không để bệnh lây lan diện rộng. Như vậy mới đảm bảo được nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán.

Theo thống kê, tỉnh Đồng Nai là địa phương cung ứng thịt gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước, hiện tổng đàn lợn đạt 2,56 triệu con, tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, tổng sản lượng thịt lợn hơi cung ứng ra thị trường trong gần 10 tháng qua ước đạt 370.000 tấn, tăng hơn 5% so với cùng kì năm 2021.

Như vậy, có thể thấy dù lo ngại giá thành sản xuất có biến động, nhưng người chăn nuôi vẫn có thể cung ứng được nguồn thịt cho người tiêu dùng ổn định, đặc biệt là sẽ ổn định trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Theo vietnambiz.vn, 24/10/2022


Xem thêm

Thịt heo ế chưa từng thấy

Doanh nghiệp liên tục đẩy khuyến mãi để kích cầu các mặt hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gà...