CB- Tổng hợp những nguyên nhân gây bệnh phân trắng trên tôm

2022-04-12 16:30:08

Có nhiều nguyên nhân vô tình làm gây bệnh phân trắng trên tôm thẻ. Ảnh minh họa.    

Trong thực tế, tôm được nuôi ở điều kiện ao, hồ nuôi, yếu tố môi trường, tình trạng sức khỏe hay tình trạng bệnh… khác nhau sẽ có cách xử lý dịch bệnh không giống nhau.

Nuôi tôm trong môi trường có độ mặn ≥ 15‰ có khả năng gây bệnh phân trắng cao hơn so các môi trường có độ muối thấp hơn, do vi khuẩn Vibrio, một trong những tác nhân gây bệnh phân trắng trên tôm bởi trong ao có nguồn Na dồi dào để phát triển. Ao nuôi nhiều chất hữu cơ do dư thừa thức ăn, là nguồn dinh dưỡng phong phú để vi khuẩn gây bệnh phân trắng phát triển. 

Những nguyên nhân có thể xảy ra
Theo nghiên cứu, nguy cơ phát sinh bệnh phân trắng trong ao nuôi cao ở những ao có đặc điểm môi trường như: Thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài, mưa liên tục hoặc xen nắng nóng lẫn các cơn mưa lớn; nuôi tôm mật độ cao, oxy không đủ đáp ứng cho tôm; độ kềm trong ao nuôi ≤ 80 mg/l, pH ≥ 8,5, tảo trong ao phát triển gây hoa nước… 


Mưa nắng thất thường là một trong những nguyên nhân gây bệnh phân trắng trên tôm. Ảnh: Tepbac

Vi khuẩn gây bệnh cho tôm chủ yếu bởi Vibrio harveyi (chiếm tỷ lệ cao nhất: 85%), tiếp theo là V. vulnificus (80%), V. fluvialis (44%) và V. parahaemolyticus (28%). Khi tôm lột vỏ, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, làm tôm bị nhiễm trùng mô mềm hoặc thông qua tuần hoàn máu, (bệnh nhiễm trùng) xâm nhập vào gan tụy, gây hiện tượng nhiễm trùng hoại tử (tức teo gan). 

Nguyên nhân tiếp theo được biết đến do trùng 2 roi Gregarine, ký sinh trùng (KST) khu trú trong nếp gấp của ruột, tạo bào tử, phát triển, hút chất dinh dưỡng từ ruột, dạ dày tôm, để phát triển thành thể dinh dưỡng. KST gây tổn thương dạ dày, ruột, gây tắc nghẽn ruột, đặc biệt là gây tổn thương niêm mạc, biểu mô và thành ruột, tạo cơ hội cho vi khuẩn Vibrio xâm nhập, gây hoại tử thành ruột. 

Khi KST hình thành bào tử, thành ruột tôm có đốm vàng hoặc đốm trắng, tôm thải ra ngoài môi trường phân trắng. KST làm tắc đường ruột tôm, gây đứt ruột, ngăn cản quá trình hấp thu thức ăn ruột giữa và ruột sau. Chúng tấn công, tạo điều kiện các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột bùng phát, gây bệnh. 


Chú thích: (a) Sợi phân trắng nổi trên mặt nước, (b) Sợi phân trắng trên sàng thức ăn, (c) Tôm nhiễm bệnh ruột có màu trắng, (d) Tôm nhiễm bệnh ruột có màu vàng nâu.

Một nguyên nhân khác gây bệnh phân trắng được biết đến là các loại tảo độc như tảo lam, tảo giáp, tảo mắt có trong ao gây ra. Tảo có vách tế bào cứng, tôm ăn tảo độc không tiêu hoá được. Tảo tiết enzyme độc, làm tê liệt lớp biểu mô ruột, làm ruột không hấp thu thức ăn được. Gây viêm ruột, tắc ngẽn ruột, lỏng ruột, trống ruột, đứt khúc, hậu quả sau cùng là tôm bị phân trắng. 


Tôm ăn tảo độc, tảo tiết ra enzyme làm tê liệt biểu mô ruột, không hấp thụ được thức ăn.

Bên cạnh đó, thức ăn bảo quản không đúng cách, gây mốc làm phát sinh nhiều độc tố nấm mốc (mycotoxin). Tôm ăn thức ăn nhiễm độc tố nấm mốc mycotoxin, gây ức chế đáp ứng miễn dịch, bằng cách giảm hoạt động thực bào và đại thực bào. Độc tố nấm mốc làm giảm tăng trưởng, sức khỏe của tôm giảm nhanh. 


Thức ăn phải được bảo quản trong khu vực khô ráo, thoáng khí và thông thoáng, nhiệt độ cần phải nhất quán. Ảnh: Tepbac

Tôm ăn những loại thức ăn bị mốc, gây tổn thương gan, viêm ruột, kết hợp tác nhân kích thích từ môi trường bên ngoài, dẫn đến một số lượng lớn tôm bị phân trắng, tôm hao hụt tăng dần. Khi thay đổi thức ăn, tôm ăn thức ăn giàu chất béo, dễ bị lỏng ruột, dễ bị phân trắng. 

Theo chúng tôi, để điều trị thành công bệnh phân trắng trên tôm, bà con cần nhận diện nguy cơ bệnh phân trắng có thể xảy ra, tìm hiểu rõ nguyên nhân hình thành bệnh, phòng bệnh chủ động, điều trị ngay khi bệnh mới bắt đầu, đây là mấu chốt, điều trị bệnh cho kết quả cao. 

Theo tepbac.com


Xem thêm


NT-Chống rét cho thủy sản nuôi

Trong điều kiện thời tiết mưa rét kéo dài, ngành thủy sản đã tổ chức hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản nuôi nhằm











Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng