Lợi ích lớn từ công nghệ tưới nước tự động

2022-10-24 14:22:48

Nhờ được tuyên truyền, hỗ trợ, nhiều người dân ở Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) đã áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm để chăm sóc cây trồng. Công nghệ này đang thể hiện được hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân giảm chi phí đầu tư, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

Năm 2020, gia đình ông Trần Văn Đình, ở xã Đức Mạnh (Đắk Mil), thử nghiệm mô hình tưới nước tiết kiệm đối với rẫy cà phê. Mô hình mang lại hiệu quả cao, nên ông đã đầu tư hệ thống tưới nước hiện đại này cho toàn bộ hơn 3 ha cà phê, cây ăn quả.

Theo ông Đình, trước đây, gia đình ông phải tốn 3-4 ngày mới có thể tưới xong 1 đợt cho vườn cà phê. Việc tưới nước rất tốn nhân công, lượng nước cung cấp cho cây trồng không đồng đều.

Nhưng sau khi đầu tư hệ thống tưới nước tự động, mỗi đợt tưới thường chỉ tốn 1 ngày. Lượng nước cung cấp cho vườn cây đều hơn, tiết kiệm nước, nhân công và chi phí hơn.

Gia đình ông Trần Văn Đình (Đức Mạnh) áp dụng mô hình tưới nước tiên tiến hơn 2 năm nay

Ông Đình là một trong những người được hưởng lợi từ Chương trình hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống nước tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Chương trình này nằm trong Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam tỉnh Đắk Nông.

Theo ông Đình, ông tìm hiểu về hệ thống tưới nước tiết kiệm từ lâu, nhưng do kỹ thuật, kinh phí hạn chế, nên chưa áp dụng. Cách đây ít năm, qua tham gia các lớp tập huấn truyền thông về kỹ thuật nông nghiệp, ông hiểu hơn về lợi ích từ việc áp dụng công nghệ vào sản xuất.

Hệ thống tưới nước tự động của gia đình ông được đặt trong một chòi gạch khoảng 10m2. Nước từ nguồn (giếng hoặc hồ, ao) được dẫn vào hệ thống này rồi chạy theo hệ thống đường ống dẫn nước phủ khắp vườn.

Ông Hồ Ngọc Hùng (Đức Mạnh) sử dụng hệ thống tưới nước kết hợp với tưới phân

“Khi tham gia chương trình này, tôi được hỗ trợ 50% tổng kinh phí để xây dựng hệ thống nước tưới nhỏ giọt. Nhân viên kỹ thuật xuống lắp đặt trực tiếp tại vườn cây, hướng dẫn kỹ thuật, nên tôi vận hành, sử dụng khá hiệu quả”, ông Đình cho hay.

Cũng áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, ông Hồ Ngọc Hùng, ở xã Đức Mạnh, nhận ra nhiều lợi ích từ hệ thống này. Không chỉ tưới nước, hệ thống này còn được sử dụng để tưới phân.

Thay vì phải khiêng từng bao phân đi bón vào từng gốc cà phê, ông Hùng hòa phân vào bồn nước lớn. Phân tan trong nước và được đưa vào hệ thống rồi tưới đều cho các gốc cà phê.

Ông Hùng phân tích, hệ thống giúp giảm nhân công, tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Lượng nước tưới cho cây vừa đủ, phân bón cũng đồng đều hơn. Nhờ vậy, rẫy cà phê ngày càng xanh tốt, sản lượng tăng từ 25-30% so với trước.

Thời gian qua, Nhà nước đã tổ chức nhiều chương trình, hội thảo tuyên truyền ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Và tưới nước tiết kiệm là một chương trình mà ông rất tâm đắc.

“Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều hộ gia đình được hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí để áp dụng mô hình này vào chăm sóc cây trồng”, ông Hùng cho hay.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đắk Mil, trên địa bàn hiện có khoảng 1.000 ha cây trồng đang áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm. Trong đó, có khoảng 90 ha được hỗ trợ lắp đặt công nghệ này từ nguồn vốn ODA và các dự án đầu tư khác.

Qua đánh giá, công nghệ tưới nước tự động đã khẳng định hiệu quả, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu, nguy cơ thiếu nước tưới trong sản xuất nông nghiệp.

Thời gian tới, huyện Đắk Mil sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ thông tin và huy động các nguồn vốn để giúp người dân có cơ hội nhân rộng các mô hình tưới nước tự động, góp phần phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Theo vietlinh.vn


Xem thêm