N-Phòng bệnh cho vật nuôi mùa nóng

2021-06-16 11:20:50

Để hạn chế ảnh hưởng của nhiệt độ cao đến vật nuôi vào mùa nóng, người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Chế độ chăm sóc
Chuồng trại nên lợp mái ngói, tranh hoặc dùng lá cây, phên, mái phản chiếu che mái chuồng hoặc dùng tấm chống nóng dưới mái, bốc hơi làm lạnh. Lắp đặt và vận hành hệ thống làm mát trong chuồng trại như quạt gió, giàn phun mưa trên mái hoặc trồng một số loại dây leo phủ mái như dây bìm bìm, hoa giấy, mướp… làm giảm nhiệt độ chuồng nuôi. Trồng cây xanh xung quanh khu vực chuồng để tạo bóng mát, hạ bớt nhiệt khu vực chuồng nuôi.
Nuôi nhốt vật nuôi với mật độ vừa phải. Đối với gia súc, vào mùa nóng cần có chế độ quản lý thích hợp, không chăn thả và làm việc ngoài trời nắng gắt trong thời gian lâu. Nên buộc gia súc ở những nơi cây xanh có bóng mát cho trâu, bò nghỉ ngơi. Định kỳ tắm chải cho trâu, bò 1 - 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể và vệ sinh thân thể, phòng chống các bệnh ngoài da. Chú ý đối với bò sữa nên tắm trước hoặc sau khi vắt sữa 2 - 3 giờ.
Hạn chế vận chuyển vật nuôi trong thời gian này. Khi vận chuyển nên mang dự phòng các chất điện giải để hòa nước cho con vật uống.
Cung cấp nhiều nước mát và sạch cũng như tăng máng uống cho vật nuôi. Tốt nhất nên lắp hệ thống nước uống tự động để luôn cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống.Cho gia cầm ăn thức ăn chất lượng tốt, đảm bảo không thiu mốc, không chứa độc tố. Đối với gia cầm đẻ trứng nên cho ăn thêm canxi, giúp tăng lượng canxi tiêu thụ, cải thiện đáng kể sản lượng trứng và chất lượng vỏ trứng.
Đối với gia súc, tăng cường thức ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin... tăng chất đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần. Những đợt nắng nóng kéo dài, thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp thường cho ăn vào ban ngày chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát trong ngày. Đảm bảo cho gia súc ăn đủ thức ăn thô xanh (trâu, bò 15 - 35 kg/con/ngày) và bổ sung thức ăn tinh (1 - 2,5 kg/con/ngày); Bổ sung 20 - 30 g muối ăn/ngày cho gia súc. Đối với bò sữa thì lượng thức ăn tinh bổ sung theo năng suất sữa.
Tăng sức đề kháng cho vật nuôi bằng cách cho uống B-Complex, đặc biệt là Vitamin C, chất điện giải.

Tăng cường thức ăn xanh cho gia súc trong giai đoạn nắng nóng - Ảnh: CTV

Công tác vệ sinh thú y
Tăng cường vệ sinh tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi để giảm sức nóng, khí độc sinh ra từ quá trình phân giải chất thải. Đảm bảo chuồng trại luôn khô ráo sạch sẽ.Vệ sinh nền chuồng sạch, khô ráo, cống rãnh không đọng phân, nước thải nhằm hạn chế phát sinh ruồi, muỗi và các sinh vật gây bệnh khác.
Định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt... là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè (dùng các loại thuốc sát trùng thông dụng như Virkon, Hantox, Formalin ...).
Tiêm phòng định kỳ các loại vaccine cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm vật nuôi có dấu hiệu bất thường để cách ly theo dõi và điều trị kịp thời. Khi có vật nuôi bị ốm, chết hàng loạt, khó kiểm soát, cần báo ngay cho thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
 
Xử lý bệnh cảm nắng, cảm nóng
Vào mùa hè, thời tiết thường nắng nóng oi bức, nhiệt độ môi trường lên cao cản trở quá trình thải nhiệt của vật nuôi, đồng thời nắng nóng chiếu trực tiếp dẫn đến thân nhiệt gia tăng quá mức dễ gây ra bệnh cảm nắng, cảm nóng.
Triệu chứng: Thân nhiệt gia súc, gia cầm tăng cao (40 - 410C ở gia súc; 430C ở gia cầm), con vật biểu hiện mệt mỏi, mất thăng bằng, choáng váng, chân đi lảo đảo, lúc thở nhanh, lúc thở chậm, tim đập nhanh có khi bị loạn nhịp, đồng tử mắt lúc đầu dãn rộng sau đó thu hẹp, các triệu chứng trên kéo dài khoảng 30 - 60 phút. Đặc biệt ở gia súc có các biểu hiện: Khó thở, mũi banh ra, tĩnh mạch cổ nổi rõ, niêm mạc tím tái, nằm liệt, co giật và bị hôn mê. Trường hợp để gia súc bị bệnh quá nặng nếu không có biện pháp xử lý, chữa trị kịp thời có thể con vật sẽ bị sùi bọt mép, trào máu ra và chết.
Điều trị: Đối với trâu, bò, khi chăn thả hoặc vận chuyển bị cảm nắng thì phải cho ngay vào chỗ mát, dùng khăn mát lau cho con vật, lau từ phần mặt, đầu đến toàn thân, khoảng 1 - 2 giờ sau có thể tắm cho con vật. Chú ý không dùng nước lạnh dội trực tiếp vào vùng đầu, mặt của con vật vì dễ gây sốc, choáng. Đồng thời kết hợp dùng thuốc trợ sức, trợ lực như đường Glucose, Cafein, B-Complex và tiêm thuốc hạ sốt Anagin C... theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đối với heo khi vận chuyển bị nắng, nóng, khi dừng xe phải phun nước mát tắm cho heo ngay để heo thải nhiệt, lưu ý phun nước nhanh, nếu phun nước chậm, heo dễ bị chết nóng.
Đối với gia súc, gia cầm bị cảm nóng trong chuồng nuôi: Cần tăng cường thông thoáng trong chuồng nuôi bằng cách phun nước lên mái chuồng, phun sương trong chuồng và bố trí đủ quạt điện để quạt mát, hoặc quạt thông gió, tránh làm tăng độ ẩm trong chuồng nuôi, đồng thời giảm mật độ nuôi...
Ngoài ra cần lưu ý, vào những ngày nhiệt độ môi trường tăng quá cao, không nên cho gia súc, gia cầm ăn quá no (nhất là gia súc đang mang thai), tắm mát cho gia súc bằng vòi xịt hoặc dùng hệ thống phun sương, xịt nước lên mái chuồng và quan trọng nhất là cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho vật nuôi. 
Sau khi khỏi bệnh, sức khỏe của vật nuôi sẽ bị giảm, vì vậy cần chú ý hơn về chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, thức ăn đảm bảo dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gia súc, gia cầm. Cùng đó, bổ sung các vitamin, men tiêu hóa, chất điện giải để vật nuôi nhanh chóng bình phục và tránh các bệnh truyền nhiễm kế phát.

>> Trong quá trình nuôi, cần thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết để chủ động ứng phó, hạn chế mức thấp nhất những tác động của nắng nóng đến sức khỏe gia súc, gia cầm.

Theo nguoichannuoi.vn


Xem thêm

N-Nuôi gà mùa Đông cần lưu ý gì?

Nhiệt độ xuống thấp kèm hanh khô, thời tiết lại thay đổi thất thường mỗi khi có các đợt gió mùa đông bắc tràn về đây là điều kiện thuận lợi...

N-Lưu ý khi tái đàn vật nuôi

Ðể hạn chế những rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế khi nhập đàn, tái đàn gia súc, gia cầm, người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật.

N-Chăm sóc gia cầm sau mưa lũ

Sau mưa lũ, nguồn thức ăn cho gia cầm khan hiếm. Đồng thời, môi trường cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng, đây được xem là thời điểm dễ phát sinh dịch