Nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi, mô hình hiệu quả

2022-10-20 15:22:26

Thôi làm lúa vụ 3, nông dân Kiên Giang đón mùa nước nổi bằng cách nuôi cá trên ruộng. Dù còn non một tháng nữa sẽ thu hoạch cá, nhưng đến thời điểm này, người dân nơi đây nhận định năm nay sẽ là năm bội thu về sản lượng cá bởi lũ về sớm, lên chậm, thuận lợi cho cá đồng sinh sôi, phát triển.

Ông Phan Văn Hùng, ngụ ấp Võ Thành Nguyên, xã Ngọc Chúc (huyện Giồng Riềng) cố định lại tấm lưới bao quanh 2ha ruộng đang nuôi cá.

Những ngày này, nước trên các cánh đồng của huyện Tân Hiệp đã dâng cao, thuận lợi cho các mô hình nuôi cá trên ruộng lúa của nông dân. Ông Dương Văn Ðời - người có thâm niên nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi gần 20 năm ở ấp Thạnh An 2, xã Thạnh Ðông A, huyện Tân Hiệp. Mùa nước nổi này, ông Ðời tiếp tục thả gần 300kg cá mè và cá chép giống trên 100 công ruộng. "Năm ngoái thời điểm này trên đồng còn khô rang, cá nuôi chậm lớn nên chỉ lãi 15 triệu đồng. Năm nay nước lớn, nếu "thuận buồm xuôi gió" hết cuối vụ chắc lợi nhuận từ 70-80 triệu đồng như mấy năm trước", ông Ðời nói. Từ đầu vụ đến nay, ông Ðời cho biết chỉ tốn chi phí lưới bao, cá giống gần 20 triệu đồng.

Chúng tôi về huyện Giồng Riềng, nơi nổi tiếng với nhiều mô hình nuôi thủy sản mùa nước nổi có thu nhập khá từ nhiều năm qua. Ðây là những mô hình được đầu tư bài bản, có hỗ trợ vốn của ngành Nông nghiệp cùng kỹ thuật canh tác thích ứng với mùa nước nổi. Theo người dân nơi đây, năm nay lũ về sớm, lên chậm giúp cá đồng có thời gian sinh trưởng.

Không gieo sạ lúa vụ 3, nông dân xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng xả đập đón lũ nuôi cá trên 347ha ruộng. Khi lúa hè thu còn 1 tháng nữa thu hoạch, ông Danh Oanh Na, ngụ ấp Trần Tác Chiến, xã Bàn Thạch bắt đầu thả cá giống từ vèo ra ruộng bởi thời điểm này ruộng lúa không còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nữa. Khi thu hoạch lúa, ông rút nước để cá tụ lại xuống vuông dự phòng. Sau khi ruộng được trục sạch gốc rạ, ông Na mở đập đón nước lũ về trên ruộng để nuôi cá.

Thấy nước lớn, ông Na dùng lưới bao quanh ruộng để giữ cá phòng mưa lớn nước dâng cao làm cá đi. "Tôi thả 2.000 con giống cá sặc rằn, cá tra, cá tai tượng và cá lóc trên 4ha ruộng. Chỉ tốn tiền cá giống 5 triệu đồng, từ lúc nuôi đến lúc thu hoạch không tốn thêm chi phí nào nữa vì cá ăn rơm rạ, ốc có sẵn trên ruộng lúa. Nước năm nay tốt nên cá sinh sôi nhiều. Hôm rồi giăng lưới thử thấy cá lớn nhanh, cá trê khá nhiều dù tôi không thả giống", ông Na cho biết. Với mô hình nuôi cá trên ruộng lúa, mỗi mùa nước nổi, ông Na thu lợi nhuận hơn 30 triệu đồng từ 4ha ruộng. Trong 7 năm liên tục chỉ làm lúa 2 vụ, đến mùa nước về, ông Phan Văn Hùng, ngụ ấp Võ Thành Nguyên, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng nuôi cá chép, cá mè hoa trên 2ha ruộng lúa. Theo ông Hùng, nuôi cá trên ruộng vừa nhàn hạ, chi phí lại thấp. Ngoài mức lợi nhuận 15 triệu đồng, đủ chi phí trang trải đầu vụ lúa đông xuân, ông còn giữ được nguồn cá đồng trên đồng ruộng. "Tôi thả 2kg cá giống mè hoa và cá chép. Thường thì 1kg cá giống đến cuối vụ sẽ cho 1 tấn cá thương phẩm dù không cần cho ăn gì cả. Năm nay nước lớn, cá lớn nhanh nên bà con nuôi cá mừng lắm. Tôi định khi hết mùa nước nổi sẽ cho cá xuống vuông giữ lại qua Tết bán được giá cao gấp đôi. Tính ra so với làm lúa vụ 3 thì nuôi cá nhàn hơn, lợi nhuận lại cao hơn".

Sáng sớm, ông Lê Văn Chính, ngụ ấp Ngọc Vinh, xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng đã có mặt ở ruộng để kiểm tra lưới bao quanh ruộng đang thả cá. Sau nhiều năm canh tác lúa vụ 3, mùa nước nổi này lần đầu tiên ông nuôi cá trên ruộng. Hai bàn tay lần dò tấm lưới bao dưới nước, ông Chính cho biết: "Năm nay thấy giá lúa thấp, sẵn chính quyền xã vận động nuôi cá trên ruộng mùa lũ vì huyện hỗ trợ cá giống nên tôi nuôi thử 2ha. Hợp tác xã có bờ bao kiên cố nên nuôi cá cũng an tâm, không sợ bị thất thoát do mưa bão. Ngoài cá trê do huyện hỗ trợ, gia đình tôi còn thả thêm cá chép, cá mè hoa. Hy vọng sẽ thu lãi cao hơn làm lúa".

Không chỉ có ông Chính, Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Lợi ở ấp Ngọc Vinh có nhiều hộ dân lần đầu tiên nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi với tổng diện tích 26ha. Dự kiến khoảng hơn 1 tháng nữa cá nuôi trên ruộng sẽ được thu hoạch đồng loạt để nông dân làm đất gieo sạ lúa đông xuân 2022-2023 theo lịch thời vụ.

Mùa nước nổi năm nay, ngành Nông nghiệp hỗ trợ nông dân nuôi cá trên ruộng lúa 500ha từ nguồn vốn ngân sách huyện, mức hỗ trợ 1,31 triệu đồng/ha chi phí con giống. Bên cạnh đó, nông dân còn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình nuôi. Kỹ sư Lê Hoài - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng cho biết, mùa nước nổi năm 2022, toàn huyện thả nuôi 4.617ha cá trên ruộng lúa tại 19 xã, thị trấn của huyện, tăng 1.000ha so cùng kỳ năm 2021. Cũng chính vì vậy các địa bàn này giảm được diện tích lúa vụ 3, đa dạng hóa sản phẩm mùa nước nổi, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân từ 7-10 triệu đồng/ha, có nơi nông dân lãi 15 triệu đồng/ha trong 3 tháng mùa nước nổi.

Theo 2lua.vn


Xem thêm

Nghề nuôi chim trĩ đỏ

Hơn 3 năm qua, nhờ nghề nuôi chim trĩ đỏ (chim trĩ) mà kinh tế gia đình khấm khá hơn, sau khi trừ hết chi phí, gia đình bà có thu nhập khoảng 15 triệu

Làm giàu từ nghề nuôi cá bớp

Cá bớp là một trong những cơ hội phát triển tốt về kinh tế cho bà con nông dân. Bởi vì loài cá này được biết đến là loài cá có nhiều chất dinh dưỡng