Những mô hình sản xuất giúp nông dân ‘đổi đời’

2023-08-09 10:04:25

Mục đích của Chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống người dân nông thôn. Chính vì vậy, Bạc Liêu đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần “đổi đời” cho nông dân.

HIỆU QUẢ TỪ NUÔI ONG, NUÔI SÒ HUYẾT TRONG VUÔNG TÔM

Điển hình trong các mô hình sản xuất hiệu quả của nông dân phải kể đến mô hình nuôi ong lấy mật ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân). Mô hình thuộc Dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật” của Tổ hợp tác thị trấn Ngan Dừa. Mô hình có 9 thành viên tham gia, nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình nuôi ong. Thông qua nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện đã đầu tư mỗi hộ vay 6 triệu đồng để mua con giống và đóng thùng nuôi ong. Khi tham gia mô hình, các thành viên được tập huấn kỹ thuật nuôi ong từ khâu thiết kế thùng, chăm sóc đến thu hoạch mật và bảo quản sản phẩm…

Mô hình nuôi ong lấy mật của ông Huỳnh Thanh Nhơn (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân). Ảnh: M.Đ

Ông Huỳnh Thanh Nhơn - Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi ong lấy mật thị trấn Ngan Dừa, chia sẻ: “Nuôi ong tốn ít thời gian và công chăm sóc, lại không cần thức ăn vì ong tự bay đi tìm hoa lấy mật. Song, đòi hỏi người nuôi phải cần mẫn. Để nuôi ong hiệu quả, người nuôi cần lựa chọn con giống tốt, chọn địa điểm đặt đàn ong, có sổ nhật ký ghi chép, theo dõi hằng ngày”. Hiện mật ong được bán với giá 450.000 - 500.000 đồng/lít. Ngoài bán mật ong, các hộ thành viên còn bán ong giống, góp phần tăng thêm thu nhập gia đình.

Nổi bật nhất là mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm ở huyện Đông Hải. Mô hình này được thực hiện đầu tiên ở ấp Lung Lá (xã Định Thành A). Từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, 8 hộ được vay với tổng số tiền 300 triệu đồng để thực hiện mô hình. Các hộ tham gia mô hình đã thả nuôi 2 vụ với khoảng 2.200kg con giống, diện tích gần 2ha. Sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí, mỗi hộ nuôi lợi nhuận từ 80 - 90 triệu đồng. Theo ghi nhận, sò huyết rất dễ nuôi, không gặp khó khăn về kỹ thuật, có thể tận dụng diện tích mặt trảng vuông nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp gần cống có nhiều phù sa khi lấy nước vào để tạo thức ăn tự nhiên cho sò nhanh lớn.

Nông dân huyện Đông Hải thu hoạch sò huyết. Ảnh: M.Đ

NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH HIỆU QUẢ

Hiện mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm đạt hiệu quả ở ấp Lung Lá (xã Định Thành A) đang được nhân rộng ra nhiều nơi trên địa bàn huyện Đông Hải. Cụ thể, mô hình được nhân rộng tại ấp Lung Chim (xã Định Thành) với 10 hộ nông dân tham gia và ấp Thanh Hải (xã Long Điền Tây) có 10 hộ nuôi. Các hộ tham gia mô hình được tiếp cận nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân từ 20 - 30 triệu đồng/hộ. Sò huyết thả nuôi trên mặt trảng vuông nuôi tôm quảng canh cải tiến phát triển rất tốt. Một số hộ đã bắt đầu thu hoạch, lợi nhuận từ 70 - 80 triệu đồng/hộ…

Còn mô hình nuôi ong lấy mật ở thị trấn Ngan Dừa hiện được nhiều hộ dân trong và ngoài huyện Hồng Dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi. Từ đó, các thành viên Tổ hợp tác nuôi ong cũng đã bán được ong giống, góp phần tăng thu nhập gia đình.

Ngoài nhân rộng các mô hình hiệu quả trên, các địa phương trong tỉnh đã và đang khuyến khích nông dân thực hiện các mô hình cho thu nhập cao khác như: mô hình nuôi lươn thịt (huyện Phước Long), mô hình lúa chất lượng cao (huyện Hòa Bình), mô hình chăn nuôi heo thương phẩm (huyện Vĩnh Lợi và TP. Bạc Liêu), mô hình tôm - lúa (huyện Hồng Dân), mô hình muôi tôm - cua kết hợp (huyện Đông Hải)… Qua đó giúp tăng thêm thu nhập, góp phần “đổi đời” cho nông dân.

MINH ĐẠT

Theo vietlinh.vn, ngày 06/08/2023


Xem thêm

Nghề nuôi chim trĩ đỏ

Hơn 3 năm qua, nhờ nghề nuôi chim trĩ đỏ (chim trĩ) mà kinh tế gia đình khấm khá hơn, sau khi trừ hết chi phí, gia đình bà có thu nhập khoảng 15 triệu

Làm giàu từ nghề nuôi cá bớp

Cá bớp là một trong những cơ hội phát triển tốt về kinh tế cho bà con nông dân. Bởi vì loài cá này được biết đến là loài cá có nhiều chất dinh dưỡng