Bí mật đằng sau những chai nước ép trái cây gây bão hiện nay

2020-05-27 15:38:45

Mới chớm hè nhưng người dân Hà Nội đã phải trải qua những ngày nắng nóng ngột ngạt, khiến nhu cầu sử dụng các loại sinh tố và nước ép trái cây tăng mạnh. Bởi, nhiều người cho rằng, những món đồ uống được chế biến từ trái cây tươi sẽ ít độc hại hơn các loại nước giải khát đóng chai. 

Nhu cầu cao
Thông thường, nước ép trái cây nguyên chất bán tại các nhà hàng, quán cafe có giá từ 35.000 - 60.000 đồng/ly trở lên. Song, những ngày gần đây, người dân ở thành phố Hà Nội có thể mua các loại nước ép trái cây nguyên chất tại khắp các chợ, con phố với giá chỉ từ 10.000 - 25.000 đồng/chai tùy loại trái cây. 

Các loại nước ép hoa quả nguyên chất đang bày bán tràn ngập ở Hà Nội. Nguồn: Internet

Chị Trần Thị Mai, một tiểu thương bán trái cây trên phố Chùa Láng cho biết: Trước đây, cửa hàng của chị chỉ bán trái cây nên lượng khách mua khá khiêm tốn. Từ khi mở thêm kinh doanh nước ép trái cây thì khách hàng qua cửa hàng rất đông. Khách hàng chủ yếu là các chị em công sở, các lớp tập gym và hầu hết đều mua với số lượng lớn. Mỗi ngày, trung bình chị bán được khoảng 150 chai nước ép. Đặc biệt, những hôm nắng nóng bán buổi sáng đã hết 200 chai, đến đầu giờ chiều là cháy hàng. Loại nước ép mà mọi người ưa chuộng thời điểm hiện tại là mía, ổi và dứa.

Chị Nguyễn Thị Hoa, một thực khách thường xuyên mua nước ép trái cây tại cửa hàng cho hay, gia đình chị thích uống nước dứa ép bởi giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại. Trước đây, muốn uống nước ép thì chị phải mua quả về tự ép nên rất mất thời gian. Từ khi có các dịch vụ ép nước trái cây sẵn tại cửa hàng, chị chọn lựa vì sự tiện lợi và giá cũng rất rẻ, chỉ 10.000 đồng/chai 350ml. Thế nên, ngày nào đi làm về chị đều tạt vào mua 2 chai nước dứa ép về để tối ăn cơm xong mỗi người thưởng thức một ly nước ép vừa ngon, vừa bổ, mà giá lại bình dân.

Lo ngại về mất an toàn vệ sinh
Theo khảo sát tại các cửa hàng, siêu thị thời điểm này, dứa có giá bán từ 8.000 – 10.000 đồng/quả. Để ép được 350ml nước dứa thì cần phải sử dụng ít nhất là 1,5 quả. Vậy tức là để làm ra một chai nước ép thì phải mất tới 12.000 – 15.000 đồng, chưa kể tiền công. Thế nhưng, những chai nước dứa ép đang được bán trên các con phố Hà Nội lại chỉ có giá 10.000 đồng. Điều này khiến cho không ít khách hàng nghi ngờ về nguồn gốc và chất lượng của những loại trái cây được dùng. 

Vào vai một người mua hàng, chúng tôi có mặt tại một cửa hàng bán trái cây kèm nước ép trái cây tại chợ Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Qua quan sát, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy người bán hàng sử dụng những quả dứa dập nát, có dấu hiệu hỏng, song khi đưa vào ép vẫn đẹp mắt, đặc biệt người dùng không hề phát hiện được. Còn đối với nước ép ổi, để nước ép ngọt, người bán hàng cho thêm đường phèn hoặc một vài giọt đường hóa học vào ly nước vừa mới ép rồi cho thìa ngoáy đều lên. Các công đoạn này được chị chủ bán hàng thực hiện khá nhanh nhẹn và chuyên nghiệp.

Ngoài việc sử dụng trái cây không đảm bảo an toàn, chúng tôi còn thấy những chiếc máy xay ở đây được người bán hàng sử dụng liên tục mà không có dấu hiệu lau rửa. Thông thường, các loại máy xay, máy ép nếu sau khi dùng xong mà không lau rửa ngay thì cối máy sẽ có mùi chua rất khó chịu, đây cũng là môi trường sinh ra nấm và vi khuẩn nguy hiểm cho đường ruột. Chưa kể, những chiếc máy ép trái cây được đặt ở vỉa hè mù mịt bụi, ruồi nhặng bâu bám. Do đó, dù là trái cây tươi ngon, đảm bảo an toàn nhưng môi trường không đảm bảo vệ sinh cũng là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc sau khi uống.

Chia sẻ với báo chí, bác sỹ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Nước ép trái cây sau khi vắt nên bảo quản trong nhiệt độ dưới 20 độ C và ở những nơi tránh ánh sáng. Nếu để bên ngoài nhiệt độ phòng, đặc biệt là nơi có ánh nắng chiếu vào thì thời gian bảo quản càng ngắn. Chính vì lí do này mà các nhà sản xuất nước ép trái cây thường đựng nước ép trong chai thủy tinh có màu tối để ánh sáng không xuyên qua vỏ chai, hạn chế tình trạng lên men của nước ép. Thế nhưng, tại các sạp bán trái cây cũng như xe hàng rong, nước ép thường được đóng vào những chai nhựa sáng màu để hấp dẫn người mua và thường xuyên phơi nắng nên rất dễ lên men.

Bác sĩ Tiến cũng cho biết thêm, khi thời tiết oi bức, tâm lý của khách hàng thường cho rằng, nước ép trái cây hay sinh tố sẽ nhanh chóng “đẩy lùi” sự khó chịu, nóng bức trong cơ thể, cũng như sẽ ít độc hại hơn các loại nước giải khát đóng chai khác. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng khi những trái cây đó đảm bảo chất lượng. Với sinh tố, nước ép được chế biến từ trái cây không đảm bảo chất lượng, nguy cơ độc hại còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Để đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là những ngày thời tiết nắng nóng rất dễ phát sinh nhiều dịch bệnh, các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý người dân nên tự ép trái cây tại nhà. Nước ép trái cây nên đựng vào chai thủy tinh đã được tiệt trùng kỹ, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và không nên để quá 24 giờ.

Cổng Nông Dân


Xem thêm