CS-Kỹ thuật trồng và để giống cây Ngải cứu

2019-06-07 11:36:18

Cây Ngải cứu có tên khoa học là Artemisia Vulgaris L, là loại cây thân thảo thuộc họ Cúc Asteraceae. Trong dân gian còn có các tên khác gọi là rau ngải, ngải điệp hay cây thuốc cứu. Ngải cứu có rất nhiều công dụng như giúp lưu thông tuần hoàn máu não, an thai, điều hòa kinh nguyệt…

Ngải cứu là một loại cây dược liệu thường mọc hoang dại trong tự nhiên. Ngoài công dụng để làm thuốc, Ngải cứu còn được dùng để chế biến các món ăn, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc trồng Ngải cứu vẫn chỉ ở mức nhỏ lẻ, trồng vài cây trong vườn, nhưng để phát triển thành sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế thì cần phải có kỹ thuật trồng qua các bước như sau.
1. Chuẩn bị giống
Ngải cứu có thể trồng bằng cách gieo hạt hoặc trồng bằng thân cành. Thông thường thì việc trồng ngải cứu bằng thân cành sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.  Cây được chọn làm giống phải khỏe, sạch bệnh, hom cành không quá non vì sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống. Chọn những cây thân ngầm có rễ, những thân cây đã già, cắt thành khúc 15 -18 cm để trồng. Trồng bằng thân già, cây sẽ nhanh hồi phục sinh trưởng và phát triển tốt. Cắt tỉa bớt phần lá để giảm thoát hơi nước và kích thích cây nhanh ra lá mới. Tuy nhiên, không cắt hết tất cả các lá vì như vậy cây không thể quang hợp được và sẽ chết.
2. Chuẩn bị đất kết hợp bón lót
- Đất và luống trồng: Đất được dọn sạch cỏ, cày cho tơi xốp và lên luống, tạo rãnh giữa các luống để di chuyển và thoát nước. Luống rộng từ 1-1,2m, chiều dài luống thiết kế sao cho phù hợp với khuôn viên nơi trồng. Để tiện cho việc chăm sóc cũng như thu hoạch, chiều cao luống 15 - 20 cm là vừa. Luống trồng làm theo kiểu lòng máng hơi trũng ở giữa giúp tiết kiệm nước, tránh rửa trôi phân bón và để giữ ẩm tốt hơn. 
- Bón lót: Ngải cứu vừa là cây trồng dùng làm rau vừa là cây dược liệu, nên sử dụng các loại phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây. Bón lót với liều lượng 500-600kg cho 1000m2, rải đều phân, đảo và cào bằng mặt luống, tưới nước để phân bón được trộn đều vào đất, tăng độ phì nhiêu, tơi xốp.


Cây Ngải cứu 

3. Trồng và chăm sóc
- Cách trồng và khoảng cách trồng
Cách trồng: Cắm các hom giống đã chuẩn bị xuống đất (có thể cắm thẳng hoặc nghiêng) sâu từ 3-5 cm. Có thể trồng 1cây/ khóm (hom khỏe), hoặc 2 cây/ khóm (cây yếu nhỏ hơn), nén kỹ phần gốc, đồng thời khỏa đất san bằng xung quanh khóm. 
Khoảng cách trồng: Khoảng cách hàng là 25 cm và khoảng cách cây là 10 cm sẽ phù hợp, không nên trồng dày hơn vì sẽ dễ tạo môi trường cho sâu bệnh phát sinh, hoặc nếu trồng thưa hơn thì sẽ không tận dụng được tối đa diện tích.
Sau khi trồng phủ một lớp cỏ khô hay rơm và tưới nước ngay để cây được giữ ẩm. Nên trồng vào buổi chiều để cây không bị mất nước nhiều và được hồi phục qua đêm.


Trồng cây Ngải cứu theo đúng khoảng cách

- Tưới nước: Cây Ngải cứu ưa ẩm nên cần đảm bảo cung cấp đủ lượng nước cho cây, để cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Nhất là giai đoạn cây con vừa mới trồng, nếu thiếu nước cây sẽ sinh trưởng chậm và yếu. Có thể tưới phun, tưới bằng bình hoặc vòi xịt, sau trồng nên tưới đẫm 1-2 lần/ngày trong khoảng 3 ngày đầu sau đó tưới thưa dần.
- Làm cỏ: Sau trồng, cây đang trong giai đoạn hồi phục, giữa các hàng cây còn các khoảng trống cỏ dại dễ phát triển, cần làm cỏ ngay. Nên dùng các biện pháp thủ công để dọn cỏ, dùng các dụng cụ chuyên dùng (dầm, cuốc lưỡi nhỏ bản) để làm cỏ. Khi giữa hai hàng Ngải cứu cây đã giao tán thì cỏ dại sẽ không còn mọc nhiều nữa, lúc này chỉ nhổ cỏ gốc bằng tay. 
- Bón phân thúc: Sau khi trồng khoảng 2 tuần (14-15 ngày), bón 20-30kg/1000m2, bón theo hàng, kết hợp vun gốc cho cây. Tùy vào từng loại đất mà chúng ta điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp. Đất nhẹ, đất cát dùng lượng phân bón tăng hơn (30kg/1000m2). Bón phân thúc sau khi thu hoạch từ 7-10 ngày. Các lần thu tiếp theo cũng bón với lượng phân tương tự. Lượng phân bón nên điều chỉnh dựa vào hướng dẫn của nhà sản xuất phân bón khuyến cáo.
4. Phòng trừ sâu bệnh hại
Cây Ngải cứu rất ít bị các loài côn trùng hay sâu hại tấn công và cũng rất ít bệnh hại. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp một số loài gây hại như rệp mềm, sâu khoang, châu chấu xuất hiện. Khi phát hiện thấy các đối tượng gây hại, nên bắt bằng tay hoặc dùng bẫy côn trùng để phòng ngừa và tiêu diệt nếu có. Ngoài ra, có thể dùng các sản phẩm thảo mộc (gừng, tỏi, ớt ngâm) phun để xua đuổi. Nên luân canh cây Ngải cứu với những cây khác họ để không tạo môi trường quen thuộc dễ gây phát sinh những loài gây hại trên cùng phổ ký chủ.
5. Thu hoạch 
Thu lứa đầu: Nếu trồng Ngải cứu với mục đích để làm rau, chế biến món ăn thì có thể thu hoạch sau 35 - 40 ngày, lúc cây chưa ra hoa. Nếu trồng để làm dược liệu thì khi cây ra hoa, bắt đầu nở một ít là có thể thu hoạch, vì lúc này cây Ngải cứu mới tích lũy đủ chất khô và có dược tính cao nhất. Dùng liềm hoặc kéo cắt ngang cây, chừa gốc khoảng từ 10-15cm. Bó lại thành từng bó, bảo quản nơi râm mát, tránh bị giập nát để mang đi tiêu thụ. 


Rau Ngải cứu

Thu hoạch đợt tái sinh: Sau khi thu hoạch lần thứ nhất, phần gốc Ngải cứu tiếp tục ra chồi và phát triển. Chúng ta vẫn tiếp tục chăm sóc và tưới nước đầy đủ cho cây để thu lần sau.
Từ 7-10 ngày sau thu, khi thấy cây bắt đầu nảy chồi thì nên tỉa bớt lá gốc, các cành nhỏ. Chỉ nên để lại các cành lớn, khoẻ mạnh (khoảng 3-4 cành/ gốc/ khóm) để cây tập trung dinh dưỡng và hạn chế sâu bệnh. Sau khi cắt tỉa thì tiến hành bón thúc phân với lượng phân như lần bón thúc trước đó. Thời gian thu hoạch đợt tái sinh sẽ sớm hơn so với đợt thứ nhất, khoảng 30-35 ngày nếu thu để chế biến món ăn. Thu hoạch Ngải cứu để làm dược liệu sẽ thu muộn hơn khi cây bắt đầu ra hoa. 
6. Để giống Ngải cứu
Cây Ngải cứu trồng quy mô nhỏ để tiêu dùng gia đình có thể trồng quanh năm và thu nhiều lần, khi nào cây già cỗi mới cần trồng lại. 
Diện tích để giống: Trồng Ngải cứu kinh doanh cần để ra một diện tích dự phòng khoảng 5-6% không cắt thân thu hoạch từng đợt, mà chỉ chăm sóc cho cây vươn dài để làm giống. Cây Ngải cứu ở diện tích giống sẽ được cắt khi bắt đầu chu kỳ trồng mới. 
Lượng phân bón: Bón lót 1 lần khi trồng 50-60kg/100m2. Bón thúc 1 lần sau trồng liều lượng bón 20-30kg/1000m2 như Ngải cứu trồng ở ruộng sản xuất. Ngải cứu trồng để kinh doanh chỉ nên thu 3-4 đợt, để có thể đảm bảo năng suất và chất lượng luôn đạt cao nhất. Thu đợt 4 xong, cày bừa làm đất xới xáo để trồng lại, tiếp tục một chu kỳ kinh doanh mới. Phần gốc sau khi thu đợt 4 được gom lại để chuẩn bị giống cho đợt trồng tiếp theo. 
Nắm vững kỹ thuật chăm sóc và để giống cây Ngải cứu là vấn đề quyết định cho những vụ trồng Ngải cứu đạt hiệu quả cao.

Theo Cổng nông dân
 


Xem thêm



CS-Kỹ thuật trồng rau má an toàn

Rau má là cây rau ăn lá vừa là cây thuốc nam, có hai vụ trồng chính trong năm. Cây rau má cần dinh dưỡng cân đối để đảm bảo năng suất và chất lượng



CS-Kỹ thuật tạo giống cây ba kích

Ba kích (Morinda officinalys) là cây dược liệu quý, có nhiều công dụng như bổ thần kinh, bổ gân cốt, chữa thấp khớp… và có giá trị xuất khẩu cao...


CS-Kỹ thuật trồng cây hoa hòe

Cây hoa hòe được trồng để thu hoạch hoa, đây là một vị thuốc nam có giá trị kinh tế. Bà con có thể tham khảo bài viết dưới đây để nắm rõ kỹ thuật trồng...



CS-Kỹ thuật trồng cây xạ đen

Cây xạ đen có tác dụng phòng chống trong điều trị ung thư, hạn chế phát triển của các khối u; tiêu viêm giải độc, mát gan; ăn ngủ tốt, tăng cường sức đề kháng...




Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng