NT-Nuôi tôm hùm thương phẩm và một số biện pháp phòng trị bệnh ở tôm nuôi (phần 2)

2020-02-21 16:45:04

1. LỰA CHỌN VỊ TRÍ NUÔI
Đây là bước quan trọng đầu tiên của quá trình ương nuôi tôm hùm. Vị trí để nuôi tôm hùm thường được chọn trong các vùng vịnh, vũng hoặc eo biển. Các địa điểm này cần bảo đảm các yêu cầu sau:

- Nằm trong vùng qui hoạch, không bị ảnh hưởng mạnh bởi sóng, gió và an toàn trong mùa mưa bão;

- Xa các cửa sông để tránh nước ngọt từ sông đổ ra trong mùa mưa;

- Nguồn nước sạch, không bị ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp hoặc nông nghiệp;

- Nền đáy là cát hoặc cát pha bùn có lẫn san hô Gạc Nai và không bị ô nhiễm;

- Độ sâu mức nước nơi đặt lồng tối thiểu khi triều thấp là 4m (đối với nuôi lồng găm), từ 4 - 8m (đối với nuôi lồng sắt) và hơn 8m (đối với nuôi lồng nổi);

- Có dòng chảy nhẹ mỗi khi triều lên, dòng chảy tầng đáy có lưu tốc khoảng từ 1 - 2 cm/giây.

Một số yếu tố môi trường nước tại vị trí lựa chọn đảm bảo thích hợp cho nuôi tôm hùm lồng theo Quyết định số 2383/2008/QĐ-BNN-NTTS ngày 6/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bảng 2.1).

Lưu ý: Mật độ lồng nuôi tại những vùng nuôi nhiều nên duy trì từ 30 - 60 lồng/ha mặt nước nhằm đảm bảo sự thông thoáng nước cho lồng (bè) nuôi cũng như việc đi lại bằng ghe/xuồng của ngư dân.

2. THIẾT KẾ, XÂY DỰNG LỒNG VÀ CÁC LOẠI LỒNG NUÔI TÔM HÙM

2.1. Thiết kế và xây dựng lồng nuôi tôm hùm

* Hình dạng và kích thước lồng nuôi tôm hùm:

Một cách tổng quát, lồng nuôi tôm hùm có dạng hình khối hộp chữ nhật hay vuông: dung tích (V) = chiều dài ´ chiều rộng  chiều cao.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa diện tích thì lồng nên có dạng hình khối hộp vuông, bởi vì cùng một chu vi thì dạng hình vuông có diện tích lớn nhất (chiều dài = chiều rộng), đồng thời lưu thông nước ở biển ở từng vị trí đặt lồng nuôi không theo một hướng nhất định.

Tùy theo qui mô nuôi, điều kiện chăm sóc quản lý và nguồn vật liệu làm lồng mà sử dụng kích thước lồng khác nhau. Tuy nhiên, lồng càng lớn khả năng lưu thông nước bên trong và ngoài lồng càng giảm (bảng 2.2), đồng thời năng suất tôm hùm nuôi lồng tỷ lệ nghịch với độ lớn lồng. Trong thực tế sản xuất nên dùng loại lồng 16 - 20 m2 là phù hợp với qui mô hộ gia đình và năng suất tôm hùm nuôi.

* Cấu tạo lồng nuôi tôm hùm:

Lồng nuôi tôm hùm có cấu tạo gồm các phần chính:

- Khung lồng: là phần quan trọng và kiên cố nhất của lồng, được làm bằng các vật liệu cứng như sắt (đối với lồng chìm), gỗ chịu mặn tốt (đối với lồng găm và lồng nổi) có hình trụ tròn hay chữ nhật, thường dùng là các loại gỗ sao, vên vên, căm xe, chò; tạo thành khối hộp gồm 4 mặt bên và 2 mặt đáy.

- Lưới bọc khung lồng: có nhiều kích cỡ khác nhau, tùy thuộc vào kích cỡ tôm nuôi

Ngoài ra, trong quá trình nuôi nên bổ sung thêm một lớp lưới thưa bên ngoài để bảo vệ lớp lưới bên trong, tránh thất thoát tôm nuôi.

- Hệ thống phao, neo và dây thừng cố định lồng (nếu có): làm cho lồng nuôi tôm hùm luôn luôn cố định, giữ ổn định mức ngập nước của lồng và thuận lợi cho việc đi lại. Phao được làm bằng các thùng phuy hoặc can nhựa, số lượng thường dùng khoảng 6-8 phao/ô lồng. Neo được làm bằng sắt, có thể neo ở 4 góc lồng/bè. Dây thừng được làm bằng nylon có đường kính 2-4 cm, dùng để liên kết mỗi cụm lồng với nhau trên cùng một bè nhằm tránh tác động mạnh của sóng biển, đặc biệt vào mùa mưa bão.

* Các trang thiết bị cần thiết cho lồng/bè nuôi tôm hùm:

Trên mỗi hệ thống lồng/bè nuôi tôm hùm cần có một số trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho các hoạt động nuôi, bao gồm:

- Ghe/xuồng nhỏ: dùng để vận chuyển thức ăn, vật tư và đi lại từ đất liền ra lồng/bè nuôi hay trên biển khi cần thiết.

- Máy diezen và mô tơ điện: dùng để phát điện sử dụng trong sinh hoạt và các hoạt động khác.

- Máy nén khí: dùng để cung cấp dưỡng khí khi cần thiết.

- Máy giặt lưới: dùng để vệ sinh lưới, lồng/bè nuôi.

- Bình lặn và bộ đồ lặn: dùng để lặn kiểm tra tôm.

- Bộ phận cắt, trộn thức ăn: dùng để tạo các kích cỡ khác nhau và đảm bảo chất lượng mồi theo từng giai đoạn tôm nuôi.

- Thùng xốp, thùng đựng thuốc thú y, xô, vợt các loại dùng để kiểm tra, thu hoạch tôm hùm.

- Một số lưới, phao, dây thừng và phương tiện cứu sinh dự phòng khi cần thiết.

2.2. Các loại lồng nuôi tôm hùm

+ Nuôi bằng lồng chìm (hay lồng sắt, lồng kín):

Đây là dạng lồng có thể di chuyển được, thích hợp với vùng biển nhiều sóng gió và có độ sâu. Tuy nhiên, nhược điểm của loại lồng này là khó thao tác khi chăm sóc và quản lý. Cách thiết kế và xây dựng lồng nuôi như sau:

* Đối với lồng nuôi tôm con (hay lồng ủ tôm con):

- Khung lồng làm bằng sắt có đường kính 8-12 mm được hàn lại, tạo thành khung chữ nhật (hay vuông) sao cho cứng và chắc chắn. Lồng thường có các kích cỡ: (0,7 x 0,8 x 0,8) m; (1 x 1 x 1) m; (1,5 x 1,5 x 1) m hoặc (2 x 2 x 1,2) m. Để sử dụng lồng lâu dài, toàn bộ khung lồng được sơn 1 lớp sơn chống gỉ, sau đó quét một lớp hắc ín và cuốn một lớp nhựa để giữ cho khung lồng không bị gỉ trong suốt thời gian nuôi dưới biển.

- Lưới bọc khung lồng là loại lưới mắt nhỏ (lưới ru), một cạnh mắt lưới khoảng 0,25-0,3 cm, nghĩa là 2a = 0,5-0,6 cm. Lưới này được đan, ráp căng, phẳng xung quanh 6 mặt của lồng. Sau đó, nên bọc thêm lớp lưới mắt lớn ở mặt ngoài, một cạnh khoảng 1-1,5 cm để tránh các loài sinh vật biển có thể làm thủng lớp lưới bên trong.

- Mặt trên cùng của lồng nên có nắp (cửa) lồng để có thể dễ dàng kiểm tra và vệ sinh lồng. Chính giữa lồng buộc một ống nhựa có đường kính 10 -12 cm để hàng ngày đưa thức ăn vào trong lồng, ống dài từ gần đáy lồng lên trên mặt lồng có nắp, chiều dài của ống từ mặt lồng đến mặt nước phụ thuộc vào độ sâu nơi đặt lồng nuôi, thường từ 1,5-2 m, để có thể dễ dàng đứng trên thuyền, trên thúng hoặc trên ghe máy cho tôm ăn qua ống.

- Sau khi đã hoàn chỉnh, lồng được vận chuyển ra vị trí nuôi đã chọn trước và lắp đặt. Lồng ương tôm con không nên đặt sát đáy mà nên neo lồng cách đáy một khoảng thích hợp sao cho khi nước thủy triều xuống thấp nhất, lồng ương không bị ảnh hưởng của lớp bùn đáy.

* Đối với lồng nuôi tôm hùm thương phẩm:

Cũng như lồng ương tôm con, lồng nuôi tôm hùm thương phẩm được thiết kế tương tự, nhưng khung và lưới bọc khung lồng có kích cỡ lớn hơn để đảm bảo chịu được sóng, gió và lực kéo, đẩy mỗi khi nhấc hay di chuyển lồng lên cạn. Cụ thể như sau:

- Sắt làm khung lồng có đường kính 12 mm hoặc 14 mm, được hàn với nhau tạo thành khung chữ nhật (vuông). Để đảm bảo cứng và chắc chắn, các góc của khung lồng thường được nối với nhau thành những hình tam giác vuông cân có cạnh góc vuông khoảng 15 - 20 cm. Lồng thường được thiết kế với các cỡ như (3 x 3 x 1,5) m hoặc (2 x 3x 1,2) m hoặc (3 x 2,5 x 1,2) m. Khung sắt bảo vệ lồng phủ bằng lớp sơn chống gỉ hay bằng hắc ín và quấn 1 lớp ni lông như đối với khung ương tôm hùm con.

- Lưới bọc khung là loại lưới có mắt lưới lớn hơn mắt lưới lồng ương tôm con (2a = 3-4 cm) được đan, ráp căng, phẳng xung quanh 6 mặt của lồng nuôi. Tiếp đến làm nắp lồng và gắn một ống nhựa dùng để đưa thức ăn xuống lồng tương tự như đối với lồng ương nuôi tôm hùm con. Vận chuyển lồng ra vị trí đã chọn và đặt lồng lên trên nền đáy đã được dọn sạch và bằng phẳng.

+ Nuôi bằng lồng găm (lồng hở):

Là dạng lồng được cố định bởi các cọc gỗ găm xuống đáy biển, thường được làm ngay tại vị trí đã chọn để nuôi tôm hùm. Tuy nhiên, các thao tác phải mất nhiều công lao động hơn so với làm lồng sắt, nhưng quá trình quản lý và chăm sóc tôm nuôi khá dễ dàng hơn so với nuôi bằng lồng sắt. Nguyên vật liệu và cách làm lồng găm như sau:

- Khung lồng: trụ làm cọc thường được sử dụng là các loại gỗ tốt như ké, bạch đàn, keo lá tràm để đảm bảo chịu được nước mặn, đường kính cọc khoảng 10-15 cm, dài từ 4-10 m tùy thuộc vào độ sâu mức nước tại vị trí chọn làm lồng. Cọc trụ được bọc bên ngoài một lớp nilon nhằm hạn chế sum/hà bám vào thân cọc. Cọc được vạt nhọn một đầu để đóng sâu xuống nền đáy theo các kích cỡ lồng (4 ´ 5 ´ 5 ) m; (5 ´ 5 ´ 5) m hoặc (6 ´ 6 ´ 5) m, mỗi cọc cách nhau 2 m. Cây làm khung lồng có đường kính nhỏ hơn 10 cm, các cây gỗ lớn dùng làm khung lồng, các cây gỗ nhỏ hơn dùng làm sườn, sao cho lồng vững và chắc chắn.

- Lưới lồng: lưới lồng có nhiều kích cỡ khác nhau phụ thuộc vào giai đoạn tôm nuôi. Thường kích thước mắt lưới khoảng 0,5 cm, thả tôm "trắng hồng" (trọng lượng 0,2-0,3 gam/con); kích thước mắt lưới khoảng 1 cm, thả tôm "bò cạp" (trọng lượng hơn 0,3 gam/con); kích thước mắt lưới từ 2-4 cm, thả tôm "lứa" và tôm thịt (có trọng lượng lớn hơn 100 gam/con).

Trong thực tế, có thể làm nhiều lồng găm liên kết với nhau để giảm bớt chi phí. Tuy nhiên, chỉ nên liên kết một số lượng nhỏ lồng nuôi và phải đảm bảo khoảng cách giữa các lồng trong hệ thống này và hệ thống lồng găm khác ít nhất 10 m để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi do thức ăn bị tồn đọng và đảm bảo việc đi lại bằng ghe/xuồng của ngư dân.

Đối với những lồng găm có khung sắt ở đáy, thường sử dụng sắt có đường kính 16-18 mm, được bôi một lớp hắc ín rồi quấn bên ngoài một lớp nilon nhằm hạn chế bị ôxy hóa do nước biển, tăng tuổi thọ cho lồng nuôi.

Mặt trên của lồng phải có nắp đậy bằng lưới, tránh tôm bị thất thoát. Mặt khác, cần sử dụng các vật liệu như lá dừa, cót, bạt để che cho tôm, đặt biệt là đối với những lồng nuôi ở những vùng nước nông. Không để tôm hoạt động quá nhiều hay tập trung ở đáy sẽ tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh khi đáy lồng vệ sinh không sạch sẽ.

+ Nuôi bằng lồng bè:

Đây là hình thức nuôi có nhiều ưu thế hơn so với dạng lồng chìm hay lồng găm vì các ô lồng có thể dịch chuyển dễ dàng đến các vùng nước sạch, nơi có sự lưu thông tốt, tránh ô nhiễm từ nguồn thức ăn dư thừa, cho hiệu quả kinh tế cao, ít xảy ra dịch bệnh đặc biệt là với tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ ngày càng nghiêm trọng như hiện nay. Tuy nhiên, chi phí xây dựng bè nuôi tương đối cao và cần chú ý một số đặc điểm sau: vùng đặt lồng nổi (bè) phải kín gió, các vật liệu làm lồng nổi như phao, gỗ, dây neo phải chắc chắn để hạn chế lồng nổi bị chao đảo khi có sóng, gió... và cần che mát các ô lồng bằng bạt hay cót.

Vật liệu và cách thức làm lồng nổi (bè):

- Khung bè: được làm bằng gỗ chịu mặn tốt, hình trụ tròn hay chữ nhật, chiều dài khoảng 4-6 m. Các thanh gỗ được bắt vít. Số lượng thanh gỗ phụ thuộc vào qui mô của bè, dao động khoảng 6-8 thanh/1 ô bè. Hình dạng bè khá đa dạng, thường là hình vuông hoặc hình chữ nhật. Kích cỡ bè nuôi phổ biến hiện nay là: (4 x 4 x 7) m; (4 x 5 x 7) m.

- Phao nổi: được sử dụng với mục đích giúp cho bè nuôi có thể nổi trên mặt nước. Phao nổi thường là các thùng phuy hoặc can nhựa. Số lượng thùng cũng phụ thuộc vào qui mô bè, thường từ 6-8 phao/1 ô bè.

- Neo: thường được đặt ở 4 góc, dùng để cố định bè nuôi.

- Dây thừng: đối với bè có số lượng lồng nuôi nhiều, mỗi cụm lồng sẽ được liên kết với nhau bằng dây thừng có đường kính 2-4 cm, khoảng cách giữa các sợi khoảng 1m nhằm tránh tác động mạnh của sóng biển đặc biệt vào mùa mưa bão làm gãy mối liên kết giữa các thanh gỗ.

+Tiêu chí lựa chọn hình thức nuôi; cách bố trí lồng/bè nuôi:

- Tiêu chí lựa chọn:

+ Phù hợp với điều kiện địa lý của vùng nuôi

+ Phù hợp với khả năng đầu tư của từng chủ hộ.

- Bố trí lồng/bè: Cần bố trí hợp lý khoảng cách giữa các lồng/bè nuôi để tránh ảnh hưởng lẫn nhau về lây nhiễm bệnh, ô nhiễm môi trường và cản trở lưu thông nước.

3. CHỌN TÔM GIỐNG

Hiện nay, nguồn giống cung cấp cho nghề nuôi tôm hùm lồng phụ thuộc hoàn toàn vào đánh bắt tự nhiên. Vì vậy, kích cỡ tôm giống thường không đồng đều, do con giống được đánh bắt bằng nhiều hình thức khác nhau như lặn, bẫy, lưới mành. Ngoài ra, thời gian lưu giữ giống khá lâu và kỹ thuật lưu giữ giống chưa tốt đã làm đàn giống không khỏe mạnh, nên trong quá trình thả nuôi, tôm thường chết nhiều vào giai đoạn đầu. Do đó, việc chọn tôm hùm giống để thả nuôi là khâu quan trọng trong nuôi tôm hùm lồng. Sau đây là một số tiêu chí chọn tôm hùm giống:

- Tôm giống cần được khai thác tự nhiên bằng bẫy, mành hay lặn bắt mà không qua bất cứ việc sử dụng thuốc gây mê nào khác. Tôm khai thác bằng thuốc gây mê thường còn nguyên vẹn các phần phụ nhưng màu sắc của tôm thường chuyển sang màu hồng, nhợt nhạt, tôm hoạt động chậm chạp, yếu ớt, trông giống như tôm bệnh. Loại tôm này thường chết từ rải rác đến hàng loạt ở giai đoạn đầu thả nuôi, vì vậy mua tôm cần chú ý để không chọn nhầm loại tôm này.

- Thời gian lưu giữ tôm giống (từ lúc khai thác ở biển đến thời điểm lựa chọn để nuôi) càng ngắn càng tốt.

- Tốt nhất nên mua giống tại địa phương nhằm hạn chế thời gian vận chuyển và tránh sự khác biệt về điều kiện môi trường.

- Tôm bơi và búng nhanh nhẹn, vỏ sáng bóng, không bị đóng rong, không có dấu hiệu bệnh lý đặc biệt là bệnh đỏ thân, bệnh sữa và bệnh đen mang; có đầy đủ râu, chân và các phụ bộ khác (đầy đủ các phần phụ ngực và phần phụ bụng).

- Chọn những con giống có cùng kích cỡ, cùng loài, có kích thước chiều dài phần giáp đầu ngực (CL) khoảng 7-9 mm, trọng lượng khoảng 0,3-0,4 g/con trở lên. Ở giai đoạn nhỏ (tôm trắng), các loài tôm hùm thường khó phân biệt, do vậy, để phân biệt được tôm hùm Bông với các loài tôm hùm khác, có thể tham khảo một số điểm đặc trưng của các loài theo bảng 2.6.

Các kích cỡ giống thả nuôi khác nhau.

Giống "tôm trắng"(A,B); giống"tôm bọ cạp" (C, D); giống đã qua nuôi ương (E,F).

4. VẬN CHUYỂN GIỐNG

Tôm giống mới khai thác từ tự nhiên về thường rất nhạy cảm với các tác động của môi trường ngoài. Vì vậy, việc lưu giữ và vận chuyển làm sao để tôm đạt chất lượng và tỷ lệ sống cao là một trong những vấn đề đầu tiên cần quan tâm. Có 2 phương pháp vận chuyển tôm hùm giống đang được sử dụng phổ biến hiện nay:

+ Vận chuyển khô:

Thường được sử dụng để vận chuyển con giống lớn khoảng 30-100 g/con. Dụng cụ vận chuyển là các thùng xốp có kích thước (dài x rộng x cao) là (40 x 30 x 25) cm hoặc (60 x 70 x 45) cm tùy thuộc vào số lượng giống cần vận chuyển. Mật độ tôm giống vận chuyển 150-300 con/thùng. Thời gian vận chuyển càng ngắn càng tốt với nhiệt độ được duy trì 21-22 độC bằng đá lạnh giữ trong các hộp nhựa hoặc túi nilon kín. Tôm được giữ ẩm bằng rong hoặc bằng khăn vải dày và chuyên chở bằng xe máy hoặc xe ô tô. Hình thức vận chuyển này đạt tỷ lệ sống khoảng 90-95%.

+ Vận chuyển nước:

Được sử dụng để vận chuyển con giống nhỏ từ "tôm trắng" đến tôm "bò cạp". Kiểu vận chuyển này gồm vận chuyển hở và vận chuyển kín:

- Vận chuyển hở: Dụng cụ vận chuyển là các thùng xốp kích cỡ (30 x 50 x 25) cm hoặc (45 x 60 x 35) cm, dưới đáy thùng được phủ một lớp rong câu tươi hoặc một lớp cát dày 0,5-1 cm. Đổ nước biển vào thùng xốp cao ngập cát hoặc rong khoảng 5-7 cm và sục khí trong suốt thời gian vận chuyển. Nhiệt độ nước được duy trì bằng đá lạnh giữ trong các hộp nhựa hoặc túi nilon kín. Với thời gian vận chuyển từ 5-15 giờ, nhiệt độ cần duy trì khoảng 21-22 độC và khoảng 23-25 độ C khi thời gian vận chuyển từ 3-5 giờ. Tôm giống được đưa vào thùng xốp với mật độ 300 - 400 con/thùng nhỏ hoặc 700-1.000 con/thùng lớn, song hầu hết các phương tiện vận chuyển bằng xe máy thường sử dụng thùng nhỏ vì tính gọn nhẹ và dễ dàng xử lý trên đường vận chuyển. Thùng lớn sử dụng khi chuyển giống với số lượng lớn bằng xe ô tô. Tỷ lệ sống ở hình thức vận chuyển này đạt khoảng 95-97%.

- Vận chuyển kín: Dụng cụ vận chuyển là túi nilon bơm ô xy, thời gian vận chuyển không quá 12 giờ. Đưa tôm giống vào các túi nilon kích thước khoảng 60 x 100 cm có chứa 1/3 thể tích nước biển và 2/3 thể tích ô xy. Mật độ vận chuyển tùy thuộc vào kích cỡ tôm và thời gian vận chuyển dài hay ngắn. Đối với tôm có chiều dài thân là 1-2 cm, có thể vận chuyển khoảng 300 con/túi; với tôm dài 3-5 cm, vận chuyển khoảng 150-200 con/túi; với tôm lớn cỡ 100-200 g/con, mật độ vận chuyển 10-15 con/túi. Túi nilon được buộc chặt và đặt trong thùng xốp, cho thêm một ít đá lạnh để giảm nhiệt trong thời gian vận chuyển.

Thực tế cho thấy, phần lớn con giống được vận chuyển bằng các hình thức trên đều đảm bảo tỷ lệ sống cao. Tuy nhiên, hiện tượng tôm nuôi bị chết nhiều thường xảy ra với cỡ giống nhỏ, có nhiều trường hợp sau khi nuôi 7-10 ngày thì tỷ lệ chết trung bình khoảng 40-80%, có trường hợp chết 100% sau 15 ngày nuôi. Tình trạng này xảy ra khi con giống khai thác không đủ để đáp ứng nhu cầu vùng nuôi nên các chủ nậu mua tôm giống đã phải gom dần từng ngày cho đến khi đủ số lượng yêu cầu.

5. THẢ GIỐNG

Sau khi giống đã được tuyển chọn, vận chuyển đến địa điểm nuôi nên để khoảng 1 giờ (để nhiệt độ cân bằng với nhiệt độ vùng nước thả nuôi), sau đó đổ nước biển tại vùng nuôi từ từ vào thùng xốp và thay nước trong thùng xốp ra từ từ (nếu vận chuyển nước) để tôm con dễ dàng thích nghi với môi trường nước mới mà không bị sốc vì nhiệt độ hay độ mặn. Lấy khoảng 15-20 con để cân, đo xác định kích cỡ tôm thả ban đầu và thả tôm vào lồng ương nuôi đã được chuẩn bị sẵn.

Thả giống ở mật độ hợp lý, tùy vào từng giai đoạn phát triển tôm nuôi. Mật độ ương nuôi tôm hùm tuỳ thuộc vào kích cỡ tôm giống thả ban đầu:

- Cỡ giống "tôm trắng": 30 - 40 con/m2 lồng

- Cỡ giống 1,5 - 4,0 gam/con: thả 25 - 30 con/m2 lồng

- Cỡ giống 4 - 10 gam/con: 15 - 20 con/m2 lồng

- Cỡ giống 10 - 50 gam/con: 10 - 15 con/m2 lồng

- Cỡ giống 50 - 200 gam/con: 7 - 10 con/m2 lồng

- Cỡ giống hơn 200 gam/con trở lên: 3 - 5 con/m2 lồng

6. THỨC ĂN TRONG NUÔI TÔM HÙM LỒNG

6.1. Thành phần các loại thức ăn

Tỷ lệ sống của tôm hùm nuôi phụ thuộc nhiều vào điều kiện môi trường nuôi, ngoài ra thức ăn cũng đóng vai trò quyết định. Hiện nay chưa có thức ăn chế biến hay tổng hợp cho tôm hùm mà nguồn thức ăn chủ yếu vẫn là thức ăn tươi sống bao gồm các loại động vật giáp xác (tôm, cua, ghẹ...), động vật thân mềm (sò lông, sò đá, ốc bươu vàng...), các loài cá tạp (cá sơn, cá liệt, cá mối, cá chuồn...) được mua từ nghề làm lưới giã cào hay lặn bắt của ngư dân. Đây là một trong những chi phí khá lớn, chiếm khoảng hơn 30% tổng chi phí nuôi tôm hùm (chỉ sau chi phí mua tôm hùm giống). Vì vậy, phải chọn lựa thức ăn làm sao để vừa tiết kiệm được chi phí, lại vừa có hiệu quả cao. Đây là công việc không kém phần quan trọng.

Thức ăn là giáp xác (tôm, cua, ghẹ...) đóng vai trò quyết định trong thành phần dinh dưỡng của tôm hùm nuôi, với hàm lượng axit béo không no phức hợp và axit béo không no cao phân tử (chiếm 6,1%), cao vượt trội hơn so với thức ăn là cá và thân mềm. Song kết hợp ba loại thức ăn tươi là cá, giáp xác và thân mềm theo một tỷ lệ nhất định ở từng thời kỳ phát triển của tôm nuôi là một giải pháp tối ưu về giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế trong tôm hùm nuôi lồng.

6.2. Phối hợp thức ăn trong nuôi tôm hùm lồng

Nhu cầu dinh dưỡng của tôm hùm ở mỗi giai đoạn sinh trưởng có sự khác biệt, vì vậy thành phần thức ăn sử dụng ở từng giai đoạn nuôi cũng khác nhau. Thức ăn có chất lượng và hiệu quả sử dụng cao là loại thức ăn có thành phần sinh hoá gần tương tự với thành phần sinh hoá của tôm hùm.

Đối với ương nuôi tôm hùm con, có thể sử dụng các loại thức ăn như giáp xác, thân mềm hay cá tạp. Tuy nhiên, nếu sử dụng thức ăn gồm giáp xác và thân mềm (với tỷ lệ 3 phần giáp xác + 1 phần thân mềm) tôm sẽ có tốc độ sinh trưởng vượt trội, màu sắc tự nhiên, hệ số thức ăn thấp và đạt tỷ lệ sống ổn định (khoảng > 95%) cao hơn so với loại thức ăn khác.

Trong nuôi tôm hùm thương phẩm, các loại thức ăn thường được sử dụng vẫn là các loài giáp xác, thân mềm, cá tạp và hầu hết các loại thức ăn này đều cho tỷ lệ sống khá cao. Tuy nhiên tốc độ sinh trưởng của tôm biến động khá rõ khi ăn các loại thức ăn khác nhau. Trong đó, sử dụng thức ăn kết hợp gồm 1 phần giáp xác (tôm, cua nhỏ...) + 1 phần thân mềm (hầu, sò...) + 2 phần cá (cá liệt, cá sơn...) thì tôm có tốc độ sinh trưởng nhanh, hệ số thức ăn thấp (FCR = 14). Đây là thức ăn kết hợp có hiệu quả cao nhất và tiết kiệm được chi phí thức ăn so với việc sử dụng các loại thức ăn khác.

7. QUẢN LÝ VÀ CHĂM SÓC TÔM NUÔI

7.1. Quản lý và chăm sóc tôm ương

Thức ăn cho tôm ương phải được bỏ vỏ cứng bên ngoài, bỏ phần ruột và cắt thành từng miếng nhỏ. Cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối, lượng thức ăn hàng ngày cho tôm trong hai tháng đầu bằng 30 - 40% khối lượng tôm thả. Thường xuyên vệ sinh lồng, vớt thức ăn dư thừa và xác tôm lột.

Sau 15 ngày ương nuôi, nên kiểm tra tôm, cân đo kích cỡ và tỷ lệ sống. Sau đó, định kỳ kiểm tra tôm để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý. Những ngày tiếp theo nên giảm lượng thức ăn xuống 20-25% khối lượng tôm nuôi. Sang tháng thứ hai, nên san thưa tôm ra với mật độ khoảng 15-20 con/m3. Sau 3 tháng ương, san tôm ra với mật độ 12-15 con/m3. Sau 4 tháng ương, chuyển tôm ra các lồng hay bè nuôi tôm thương phẩm. Cần chú ý tính lại khẩu phần ăn của tôm ngay sau khi giảm mật độ ương nuôi.

7.2. Quản lý và chăm sóc tôm thương phẩm

Đối với tôm cỡ >= 200 g/con, cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối, lượng cho ăn vào chiều tối chiếm 70% lượng thức ăn trong ngày. Thức ăn cho tôm có thể để nguyên con hoặc cắt nhỏ. Tuỳ loại thức ăn mà xác định lượng cho ăn hợp lý, khẩu phần ăn hàng ngày bằng khoảng 15-17% khối lượng tôm thả.

Hàng ngày nên kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe, hoạt động của tôm và mức độ sử dụng thức ăn để có sự điều chỉnh hợp lý.

Loại bỏ thức ăn thừa, vỏ lột xác; định kỳ vệ sinh lồng nuôi tránh bị rong rêu bám làm bít lỗ lưới. Đối với các lồng nuôi tôm hùm con, do có mắt lưới nhỏ nên thường bị sum/hà bám, vì vậy cần vệ sinh định kỳ để tạo sự lưu thông nước tốt, hạn chế ô nhiễm.

Khi tôm đạt kích cỡ 500-600 g/con nên san thưa tôm với mật độ 4-5 con/m2 lồng. Sau khoảng 20-24 tháng nuôi có thể thu hoạch tôm hùm thương phẩm.

8. THU HOẠCH

Thời điểm và kích cỡ thu hoạch tôm tùy thuộc vào nhu cầu thị trường, điều kiện kinh tế và điều kiện tự nhiên. Nhìn chung, khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm (>=500 g/con) thì có thể thu hoạch toàn bộ hoặc một phần tôm nuôi. Thu hoạch toàn bộ thường được áp dụng khi tôm đồng đều kích cỡ và giá thu mua cao hoặc sắp tới mùa mưa bão.

Đối với dạng lồng găm (lồng hở) và bè nuôi, việc thu hoạch khá đơn giản: Dùng vợt lặn bắt tôm hùm cho vào các thùng chứa nước biển có gắn sẵn sục khí để giữ cho tôm sống, sau đó vận chuyển đến nơi thu mua.

Đối với dạng lồng chìm (lồng sắt), việc thu hoạch có phức tạp hơn: Đầu tiên cần cảo lồng, sau đó di chuyển lồng vào gần bờ và bắt từng con cho vào thùng nhựa vận chuyển đến chỗ thu mua (phương pháp vận chuyển tương tự như cách vận chuyển tôm giống đến nơi thả nuôi). Có hai cách cảo lồng đang được sử dụng phổ biến hiện này đó là:

- Cách 1: Lấy can nhựa không chứa nước đậy kín, dùng 4 dây buộc một đầu vào can, một đầu luồn xuống chân lồng và kéo ngược lên. Dùng 4 thúng chai có người điều khiển, cùng kéo từ từ sao cho can không bị chìm xuống nước và lồng sẽ từ từ nổi lên. Khi lồng nổi được một nửa trên mặt nước, cố định 4 dây can vào thuyền máy và kéo lồng từ từ vào bờ.

- Cách 2: Dùng 2 thuyền máy, mỗi thuyền 2 dây, cho người lặn buộc một đầu dây vào chân lồng rồi đứng trên thuyền máy kéo đầu dây kia và cho thuyền chạy từ từ vào bờ.

Chú ý: Với hình thức nuôi lồng chìm, trong quá trình nuôi hay thu hoạch nên hạn chế việc lặn vào bên trong lồng vì không an toàn cho người lặn.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia


Xem thêm





XL-Kiểm soát độc tố tảo ao nuôi

Trong ao nuôi, tảo là một mắt xích quan trọng của chuỗi thức ăn tự nhiên và giữ vai trò như hệ thống lọc sinh học giúp cân bằng các yếu tố môi trường.








Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng