NT-Sử dụng mật rỉ đường trong hệ thống ao nuôi tôm không thay nước

2018-04-09 16:29:24

Nuôi tôm thâm canh hạn chế thay nước hoặc không thay nước (chỉ cấp bù) hiện đang là hướng đi để hạn chế dịch bệnh. Vấn đề mấu chốt để có ao nuôi thành công trong hệ thống này là kiểm soát hàm lượng hữu cơ (phân tôm, thức ăn thừa, xác tảo), khí độc NH3/NH4, NO2, H2S (hợp chất Nitơ vô cơ).

Bảng: Tác động của tỷ lệ C:N tới chất lượng nước và năng suất áp dụng trong hệ thống ao nuôi không thay nước sử dụng mật rỉ đường (Cách tính tỷ lệ C:N đưa vào ao thông qua lượng thức ăn và mật rỉ đường, chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết sau) 

Do đó, song song với việc xi phông và quản lý thức ăn, cần sử dụng các sản phẩm vi sinh giúp phân giải các chất hữu cơ và chuyển hóa các hợp chất Ni tơ NH3/NH4 và NO2 (nhóm vi sinh tự dưỡng Baciluss.ssp).

Nhóm vi sinh dị dưỡng khi tiêu thụ các hợp chất Nitơ vô cơ trên để xây dựng tế bào cần Carbon hydrate làm nguồn năng lượng. Trong nước ao nuôi thường chứa nhiều hợp chất Nitơ nhưng lại hạn chế lượng Carbon hydrate. Do đó, nếu bổ sung Carbon hydrate vào trong ao sẽ thúc đẩy sự tiêu thụ nhanh lượng NH3/NH4 và NO2 trong ao nuôi. Mật rỉ đường là nguồn Carbon hydrate chất lượng và rẻ (Carbon hydrate chiếm 40 - 60% và rất ít các hợp chất Nitơ vô cơ). Câu hỏi đặt ra là sử dụng mật rỉ đường trong hệ thống ao nuôi không thay nước có thực sự hiệu quả? Cần điều chỉnh tỷ lệ C:N bao nhiêu để đạt được chất lượng nước và tăng trưởng của tôm tốt nhất?

Một nhóm nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm các tỷ lệ C:N khác nhau trong bể nuôi có thể tích 160 lít tại Trường ĐH Darwin, Australia với mật độ nuôi 30 con/m3, thức ăn có độ đạm 38%, cho ăn tỷ lệ 5% trọng lượng tôm/ngày, cho ăn 2 bữa/ngày và thời gian nuôi 8 tuần. Bể nuôi được gây tảo trước khi nuôi.

Tỷ lệ C:N được thực nghiệm với các công thức như sau: Đối chứng không bổ sung mật rỉ đường đo được tỷ lệ C:N trung bình là 6.5. Các công thức thực nghiệm khác được bổ sung mật rỉ đường và duy trì tỷ lệ C:N trong suốt thời gian nuôi lần lượt là: 15, 17.5, 20 và 22. Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần, vị trí các bể nuôi được bố trí ngẫu nhiên và được lắp đặt sục khí với công suất như nhau. Mỗi tuần các bể nuôi được bổ sung thêm 2 lít nước ngọt để bù vào sự bay hơi và luôn duy trì thể tích nước như ban đầu. Trọng lượng tôm thả trung bình 5.014 g/con.

Tỷ lệ C:N được tính toán là tỷ lệ tổng số Carbon hydrate và tổng số Nitrogen đưa vào bể. Tổng số Carbon hydrate được tính là nguồn C từ thức ăn và từ nguồn rỉ đường có hàm lượng Carbon hydrate 38,5%. Tổng số Nitrogen được tính  là từ nguồn thức ăn (cách tính toán lượng Carbon hydrate và Nitrogen theo phương pháp của Avnimelech, 1999). Các thông số môi trường và mật độ vi khuẩn tự dưỡng được đo hằng ngày. Trọng lượng tôm và tỷ lệ sống được lấy số liệu 2 tuần một lần.

Kết quả thu được sẽ dùng One-way Anova để phân tích sự tác động của tỷ lệ C:N lên các hàm lượng trung bình của các yếu tố: NH3/NH4, NO2, DO, số lượng vi khuẩn tự dưỡng, pH, tỷ lệ sống, tỷ lệ tăng trưởng, RGI - chỉ số % tăng trưởng thực tế so với lý thuyết, FCR và tỷ lệ nước sử dụng trên sinh khối.

Kết quả phân tích cho thấy, hàm lượng NH3/NH4 và NO2 giảm đáng kể khi tăng tỷ lệ C:N bằng cách bổ sung nguồn Carbon hydrate từ mật rỉ đường. Tỷ lệ tăng trưởng của tôm cũng tốt hơn khi tăng tỷ lệ C:N. Hệ số chuyển đổi thức ăn FCR cũng thấp hơn khi tăng tỷ lệ C:N. Các kết quả trên cho thấy, sử dụng mật rỉ đường làm nguồn Carbon hydrate bổ sung vào ao nuôi tôm làm giảm hàm lượng các khí độc NH3 và NO2, giúp tôm tăng trưởng tốt hơn và FCR thấp hơn.

Dựa trên kết quả thu được thông qua phân tích chất lượng nước và tăng trưởng của tôm trong 8 tuần nuôi cho thấy bổ sung mật rỉ đường để duy trì tỷ lệ C:N trong nước ao nuôi tôm cho kết quả tốt nhất là 20:1.

Theo contom.vn


Xem thêm









Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng