Sai lầm của người chăn nuôi khi tái đàn khiến dịch tả lợn tái phát

2020-07-15 17:40:02

Giá lợn hơi trên thị trường hiện đang ở mức cao, hầu hết các hộ chăn nuôi trên cả nước đều đang rục rịch tái đàn. Tuy nhiên, tái đàn vào thời điểm này người chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn. Giá lợn giống tăng cao, áp lực cạnh tranh với lợn ngoại nhập và đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi vẫn còn hiện hữu.

Theo thống kê từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước vẫn còn 238 xã thuộc 60 huyện của 18 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày. Cục Thú y nhận định, nguy cơ tái bùng phát dịch và lây lan trên diện rộng là rất lớn. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho đàn lợn, song song với việc tái đàn, công tác phòng dịch phải được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại nhiều địa phương tái phát dịch, nhiều lỗ hổng đã bộc lộ trong quá trình tái đàn. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người dân chủ quan và chưa coi trọng việc phòng bệnh, đặc biệt là khâu chọn giống. 

Tự ý tái đàn

Theo quy định, hộ chăn nuôi tái đàn sau dịch phải đảm bảo các yêu cầu như: lợn giống có nguồn gốc rõ ràng, từ các cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh hoặc được giám sát bệnh định kỳ; vận chuyển lợn từ nơi khác đến phải có đủ các giấy tờ như giấy kiểm dịch, giấy xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi; lợn giống mới nhập về phải tách riêng để theo dõi và phải báo cáo với chính quyền, cơ quan thú y địa phương.

Quy định là vậy, nhưng trên thực tế có rất nhiều hộ dân không thực hiện theo đúng quy trình này. Tháng 4 vừa qua, Thanh tra thành phố Hà Nội đã có cuộc kiểm tra đột xuất và ngẫu nhiên tại 29 hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Trong hồ sơ, 29 hộ chăn nuôi này đều đã tiêu hủy hết số lợn và có tên trong danh sách nhận hỗ trợ lợn bị tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, tổng cộng 28/29 hộ đang có lợn trong chuồng. Còn một hộ đã bán trước khi có đoàn kiểm tra. Qua báo cáo của UBND các xã và lời trình bày của các hộ này, việc tái đàn đều là tự phát, không báo cáo và chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương.

Có biểu hiện gian dối

Không chỉ tự ý tái đàn, điều nguy hiểm hơn là các hộ này đều không thể chứng minh được nguồn gốc của số lợn nói trên. Một số hộ mua của người quen, người cùng thôn hoặc nhập lợn giống từ các xã khác vẫn đang có dịch. Số khác nhờ mua hộ mà không nhớ tên, địa chỉ người bán.

Để làm rõ vấn đề này, cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh thông tin của 9/29 hộ nói trên. Qua đó phát hiện ra nhiều điểm bất thường và có biểu hiện gian dối. Kết quả cụ thể như sau:

-    1 hộ dân ở phường Thượng Cát (Bắc Từ Liêm): khai báo mua 20 con lợn của ông Hạt ở thôn Hạ (xã Liên Trung, Đan Phượng). Qua xác minh, gia đình ông Hạt chuyên sản xuất đồ gỗ và bán tạp hóa, chưa bao giờ nuôi lợn. Ông Hạt cũng cho biết không hề quen biết gia đình này.

-    3 hộ ở phường Thượng Cát, Liên Mạc (Bắc Từ Liêm): khai báo mua lợn ở khu Dốc Chợ và thôn Chu Phan (xã Trung Châu, Đan Phượng). Tuy nhiên qua xác minh, người dân tại các thôn này khẳng định không quen biết và cũng chưa từng bán hoặc môi giới cho 3 hộ trên.

-    4 hộ dân ở xã Vạn Thái (Ứng Hòa) khai báo rằng mua con giống từ công ty Dabaco và công ty JAFA. Tổng cộng 205 con, bao gồm: 1 con lợn đực, 34 con lợn nái hậu bị, 120 con lợn thương phẩm (mua từ công ty Dabaco) và 50 con lợn thương phẩm (công ty JAFA). Tuy nhiên trên thực tế, công ty Dabaco chỉ xác nhận đã bán lợn đực giống cho 1 trong 4 hộ nói trên. Số lợn bán chỉ 1 con chứ không phải 12 con như hộ này khai báo. Công ty không bán con giống cũng như lợn thương phẩm cho 3 hộ còn lại.

Trước tình trạng này, Thanh tra thành phố yêu cầu UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND huyện Ứng Hòa tiếp tục kiểm tra và làm rõ. Nếu có dấu hiệu khai khống lợn bị tiêu hủy thì chuyển cơ quan công an để điều tra, xem xét và xử lý theo quy định.

Cổng Nông Dân
 


Xem thêm