Thực hư thuốc, kẹo giải rượu uống vào “lái xe không bị phạt”?

2020-01-17 21:16:12

Sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 có hiệu lực, trong đó quy định mức phạt rất nặng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu và hơi thở. Điều này khiến không ít người cảm thấy lo lắng và tìm cách chống chế. Do đó, những ngày gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc, kẹo được quảng cáo giúp giải rượu thần tốc.
Mua ở đâu cũng có

Hiện nay trên thị trường xuất hiện hàng trăm loại sản phẩm có tên gọi “thuốc giải rượu”. Hầu hết các loại này có xuất xứ nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật, Mỹ và có cả sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.
Tại một hiệu thuốc trên phố Kim Mã (Hà Nội), khi được hỏi về thuốc giải rượu, nhân viên bán hàng giới thiệu rất nhiều loại thuốc với giá từ vài ngàn đồng tới vài chục ngàn đồng. Những loại thuốc này đều được người bán giới thiệu giúp nâng cao tửu lượng, hỗ trợ đào thải rượu bia, bảo vệ gan. Những người phải uống rượu nhiều chỉ cần uống bốn viên đảm bảo không say.

Còn trên các trang bán hàng trực tuyến, chỉ cần gõ cụm từ “thuốc giải rượu” sẽ tìm thấy đủ loại viên kẹo ngậm, thuốc giải rượu có xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Anh Lê Văn Mạnh (quận Hoàng Mai) cho biết: Tết đến, tôi phải đi tiếp khách nhiều nên đã tìm mua loại thuốc giải rượu trên mạng. Người bán giới thiệu uống vào sẽ giảm say, giảm cảm giác khó chịu, đau đầu, mệt mỏi, chỉ 15 phút sau là sẽ hết rượu trong người. Nhưng sau khi uống tôi lại cảm thấy mệt hơn. Không cảm thấy lượng rượu bia trong người được giải ra như người bán nói. Nếu tin tưởng uống thuốc này sau khi uống rượu rồi lái xe sẽ rất nguy hiểm.

Một loại thuốc giải rượu được bán nhiều tại các tiệm thuốc Tây

Coi trừng tiền mất tật mang
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm được người bán quảng cáo là có thể giải rượu. Tuy nhiên, các chuyên gia Y tế cho biết: Thực chất những loại thuốc bán trên thị trường là thực phẩm chức năng có chứa các thành phần như vitamin B1, B6, B12, axít glutamic... Những loại thuốc này chỉ có tác dụng làm chậm quá trình rượu được hấp thụ chứ không giải được rượu ra ngoài cơ thể nhanh. Vì vậy, khi uống những thuốc trên sẽ tạo cảm giác cho người uống rượu không bị say, uống càng nhiều hơn. Có trường hợp suýt mất mạng vì tưởng mình đã có thuốc giải rượu nên cứ uống thoải mái
Điều đáng lo ngại là hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc giải rượu không có nguồn gốc, xuất xứ, thành phần thuốc rõ ràng. Uống những loại thuốc này có thể làm tăng gánh nặng cho gan, càng làm tăng nguy cơ gây suy gan cấp, ung thư gan.
Thực tế, trên thị trường chưa có bất kỳ sản phẩm nào giúp chống say rượu hoặc giải rượu nhanh. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là hạn chế uống rượu bia và không nên lái xe sau khi đã uống rượu bia. 

Cổng Nông Dân 


Xem thêm