Giải pháp nào để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững?

2018-04-13 17:19:33

Những ngày qua chuyện “giải cứu heo ế” đang nóng hổi trong cả nước. Toàn dân, toàn quân được kêu gọi ăn thịt heo để cứu trợ nông dân bằng những công văn hoả tốc và những lời khẩn thiết từ bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Với những gì đã và đang diễn ra trong ngành nông nghiệp, nhu cầu liên kết ngày càng trở nên cần thiết hơn. Đây là những giải pháp hiệu quả và bền vững nhất cho bà con chăn nuôi lợn hiện nay.

1. Nhược điểm của chăn nuôi nhỏ lẻ

Hiện quy mô chăn nuôi lợn ở nước ta có đến 80% là chăn nuôi nhỏ lẻ (từ một đến hai lợn nái, hoặc từ 10 đến 20 lợn thịt). Chăn nuôi theo quy mô nhỏ có ưu điểm tận dụng được nguồn lực lao động gia đình, đất đai, thức ăn, nhất là phụ phẩm nông nghiệp; không cần nhiều vốn hoặc kỹ thuật cao, dễ quản lý; tạo nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. Song, nhược điểm đó là:

- Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ như hiện nay chỉ làm giàu cho đại lý thức ăn chăn nuôi và tư thương. Người chăn nuôi phải mua thức ăn chăn nuôi giá cao và bán lợn thịt với giá thấp do qua quá nhiều khâu trung gian.

- Kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm yếu dẫn đến rất khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

- Khó xây dựng thương hiệu.

- Khi phát triển chăn nuôi nông hộ, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ngày càng hiện diện và trở thành nỗi lo lớn do chất thải không được xử lý tốt.

- Việc chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ kéo theo các sản phẩm không có độ đồng đều cao, số lượng phập phù theo kiểu “hội chứng đám đông”, cái gì được giá thì ồ ạt nuôi, khi mất giá là đổ xô bán.

Từ những nhược điểm trên thì về lâu dài, chăn nuôi nông hộ khó lòng cạnh tranh được với hướng chăn nuôi tập trung, trang trại.

2. Mô hình liên kết và lợi ích của người nông dân khi tham gia chuỗi liên kết

Hiện nay, nước ta có 2 hình thức liên kết đặc trưng trong ngành chăn nuôi là liên kết giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp và liên kết các hộ chăn nuôi với nhau (theo hình thức các hợp tác xã và tổ hợp tác).

a. Liên kết với doanh nghiệp: mô hình liên kết với doanh nghiệp để phát triển trang trại, chăn nuôi có quy mô lớn và mang tính bền vững. Với hình thức liên kết này, 2 bên cùng có lợi. Người nuôi lợn chỉ bỏ vốn đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống chuồng trại theo đúng thiết kế kỹ thuật của doang nghiệp và bỏ công chăm sóc, tiêm phòng. Còn giống, các loại vật tư như thức ăn và thuốc thú y đều do doanh nghiệp cung cấp. Đồng thời, doanh nghiệp còn tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người chăn nuôi không lo lắng về thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, trong cả nước đã có rất nhiều mô hình người chăn nuôi liên kết với các công ty mang lại hiệu quả cao trong đó có mô hình của  anh Nguyễn Phước Minh ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đến thăm trang trại của anh Minh mới thấy cuộc khủng hoảng giá lợn vừa qua không ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi lợn của trang trại. Năm 2009 anh bắt đầu liên kết với công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam theo hình thức nuôi gia công. Trang trại có 3 dãy chuồng nuôi rộng 1.800m2, hiên đang thả nuôi 1.000 con lợn thịt.

Theo như cam kết giữa anh Minh và phía Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, chủ cơ sở chăn nuôi đầu tư xây dựng về mặt chuồng trại theo mẫu thiết kế của công ty đưa ra. Phía công ty đảm bảo cung cấp các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chuyển giao kỹ thuật chăn sóc và bao tiêu đầu ra. Khi đến thời đểm xuất chuồng, phần lợi nhuận sẽ được chia cho người chăn nuôi giao động từ 2.000 – 2.500đồng/kg thịt hơi. Với mức thỏa thuận này, mỗi năm gia đình anh Minh có thu nhập 400 triệu đồng từ việc nuôi gia công 2 lứa lợn.Như vậy, có thể thấy việc chăn nuôi theo hướng liên kết với công ty tuy lợi nhuận không cao, nhưng sẽ giúp nông dân  giảm thiệt hại khi thị trường biến động về giá cả, không lo lỗ vốn. Mô hình chăn nuôi này có ưu điểm giúp người chăn nuôi nâng cao trình độ quản lý, nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, khả năng nắm bắt thị trường… Bên cạnh đó, việc xây dựng chuồng trại khép kín, có hệ thống làm mát cũng như xử lý chất thải chăn nuôi góp phần đảo bảo môi trường.

b. Nông dân liên kết với nông dân

Không chỉ có liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp mà hiện nay nhiều hộ chăn nuôi cũng liên kết với nhau để tạo thành các hợp tác xã hay các tổ hợp tác. Ðối với hình thức liên kết này, người sản xuất và đơn vị kinh doanh, điển hình là các HTX, tổ hợp tác… liên kết lại, hỗ trợ nhau sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trong mô hình này, các HTX, tổ hợp tác chịu trách nhiệm cung cấp con giống, vật tư, phân bón, thức ăn và đầu ra sản phẩm cho các xã viên.

Lợi ích khi những hộ chăn nuôi liên kết với nhau là:

- Khi các hộ chăn nuôi liên kết với nhau sẽ đạt quy mô sản xuất lớn, giảm chi phí sản xuất, chi phí giao dịch.

- Tăng khả năng tiếp cận với công nghệ, nguồn lực sản xuất và thị trường mới; tăng vị thế đàm phán và khả năng cạnh tranh.

 - Nâng cao năng lực về tổ chức và kiến thức nhờ vào sự chia sẻ kinh nghiệm trong nhóm đồng thời chia sẻ rủi ro với nhau.

Tác dụng của mô hình liên kết giữa các hộ chăn nuôi với nhau là đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn. Chỉ như vậy, người chăn nuôi mới có thể cung cấp sản phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về chất lượng, kịp thời gian cho nhiều đối tác. Nhờ vào liên kết các hộ chăn nuôi mới có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quản lý về chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn, chất lượng.

Dưới đây là một mô hình chăn nuôi theo hình thức Hợp tác xã điển hình đang “sống khỏe” trong khi giá lợn đang rớt thấp nhất trong những năm qua làm người chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ nặng.

Đến thăm Hợp tác xã Trường Thành, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang mới thấy cuộc khủng hoảng giá lợn hiện nay không ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi của HTX. Được biết hợp tác xã Chăn nuôi Trường Thành được thành lập từ năm 2012, với 8 thành viên là nông dân. Trong những năm qua,  hợp tác xã chăn nuôi thường xuyên hơn 3.000 con lợn, cung cấp cho thị trường bình quân khoảng 20 tấn lợn hơi mỗi tháng. Nắm bắt nhu cầu của khách hàng về thực phẩm sạch, từ năm 2015, Hợp tác xã bắt đầu chuyển sang chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP.

Hệ thống chuồng trại bảo đảm mát về mùa hè, ấm về mùa đông và được phun thuốc sát trùng mỗi tuần để phòng ngừa các dịch bệnh. Để có con giống khỏe mạnh, Hợp tác xã nuôi 300 lợn nái cung cấp trực tiếp, không phải mua ở ngoài. Vì nuôi lợn theo hướng bảo vệ môi trường nên các chất thải đều được ông Thành và các thành viên Hợp tác xã xử lý triệt để bằng cách sử dụng đệm lót sinh học và hầm khí biogas.

Thức ăn cho lợn cũng được kiểm tra chặt chẽ và cho ăn chủ yếu là bột ngô, cám gạo, đậu tương... Lợn chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ trong suốt quá trình nuôi từ con giống, thức ăn đến khâu cuối cùng. Sản phẩm được đưa tới tận tay người tiêu dùng và được đánh giá là thịt có chất lượng nên nhiều khách hàng tin dùng. Chính vì vậy mặc dù giá lợn hơi liên tục giảm mạnh, có lúc giảm sâu xuống còn 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg thì thịt lợn hơi được nuôi ở đây vẫn bán được giá cao gấp 3 đến 4 lần so với giá thị trường.

Thịt lợn sạch của Hợp tác xã Trường Thành đóng gói bán ở siêu thị. Ảnh: vov.vn

Trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, sức ép cạnh tranh lớn thì việc liên kết trong chăn nuôi lợn là hướng đi tất yếu, mang lại sự phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững cho ngành chăn nuôi.

Theo phân tích của chuyên gia Agritech

(Tham khảo: vov.vn, baomoi.com, hoichannuoi.vn)


Xem thêm