Khuyến cáo của chuyên gia cho người chăn nuôi lợn Việt Nam năm 2018

2018-03-20 09:04:26

Chăn nuôi lợn là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam bởi sản xuất thịt lợn chiếm xấp xỉ 2/3 tổng lượng thịt hàng năm. Đây cũng là ngành kinh tế giúp cho nông dân tăng thu nhập hàng năm và giải quyết được vấn đề công ăn việc làm cho lao động vùng nông thôn. Tuy nhiên, từ tháng 10/2016 – 7/2017 người chăn nuôi lợn Việt Nam đã gặp khó khăn do giá lợn xuất chuồng giảm mạnh kéo dài. Hậu quả là nhiều người chăn nuôi bị thua lỗ nặng nề phải bỏ nghề. Vậy năm 2018 giá lợn có tăng trở lại? là điều mà người chăn nuôi nào cũng quan tâm.

Cuộc khủng hoảng của ngành chăn nuôi lợn Việt Nam

Chăn nuôi lợn là một trong những ngành chủ đạo của nông nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn năm 2013 – 2016, số lượng lợn hơi của Việt Nam tăng trưởng 11%/năm, đẩy nguồn cung lợn nội địa lên 54,46 triệu con.

Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước chiếm khoảng 75% sản lượng thịt lợn cả nước. Một lượng lớn lợn hơi của Việt Nam được Trung Quốc nhập khẩu thông qua hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam nhưng lại không theo con đường chính ngạch. Chỉ một phần nhỏ được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường láng giềng.

Năm 2015 – 2016: Nguồn cung thịt lợn nội địa của Trung Quốc suy giảm (ảnh hưởng của kế hoạch cải tổ trang trại), trong khi nhu cầu vẫn tăng mạnh, khiến nước này càng ngày càng thu hút nhập khẩu. Các nước xuất khẩu thịt lợn, trong đó có Việt Nam đã thu trái ngọt từ sự tăng mạnh lượng nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc. Xuất khẩu tiểu ngạch lợn sống từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2013 – 2016. Năm 2013, xuất khẩu lợn sống tiểu ngạch đạt xấp xỉ 17.000 con/ngày, tăng lên khoảng 33.000 con/ngày vào đầu năm 2016, đẩy tổng xuất khẩu lợn sống tiểu ngạch trong cả năm 2016 lên khoảng 12,04 triệu con. Các hộ chăn nuôi Việt Nam chứng kiến giá lợn cổng trại tăng mạnh và đón nhận điều này là một tín hiệu tích cực để mở rộng sản xuất và gặt hái lợi nhuận. Người chăn nuôi đua nhau tăng số lượng đàn lợn. Theo báo cáo của Ipsos, tổng số lượng lợn thịt của Việt Nam sản xuất nội địa tăng chậm dần đều, từ 39,85 triệu con tới 54,46 triệu con trong 3 năm 2013 - 2016. 

Giữa năm 2016:  Trung Quốc giảm nhập khẩu lợn tiểu ngạch từ Việt Nam. Nhiều hộ chăn nuôi không kịp điều chỉnh quy mô đàn lợn nái đúng thời điểm, dẫn đến tình trạng dư cung lợn sống tại Việt Nam bùng nổ vào khoảng 7,05 triệu con vào cuối năm 2016. Tình trạng dư cung nghiêm trọng này dẫn đến giảm mạnh giá lợn cổng trại và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều hộ chăn nuôi lợn. Do giá lợn hơi tại trại giảm mạnh nhất trong lịch sử, nhiều trang trại nhỏ lẻ và trang trại tư nhân lớn đã tạm ngừng chăn nuôi hoặc giảm đàn nái, trong khi các trại nuôi theo mô hình khép kín vẫn tiếp tục kinh doanh.

Năm 2017: Kế hoạch cải tổ trang trại ở Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thành quá trình tái cấu trúc vào cuối năm 2017. Các hoạt động thương mại lợn sống dọc biên giới gần đây đã tái khởi động lai, nhưng cho tới nay, lượng giao dịch vẫn thấp hơn đáng kể so với những năm trước. Nguyên nhân có thể là do người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ý thức cao về sức khỏe và bắt đầu ưu tiên tiêu dùng thịt sạch, có khả năng truy xuất nguồn gốc và chứng nhận an toàn.

Trong 5 tháng đầu năm 2017, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá liên tục xuống thấp, nguồn cung nhiều hơn so với nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, sau khi các cấp Bộ, ngành đồng loạt triển khai các nhóm giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm ổn định và hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn, giá thịt lợn hơi đã ngăn đà giảm và ổn định trong suốt các tháng tiếp theo. Bước sang Quý IV năm 2017, đàn lợn hồi phục do các địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi đã ổn định đàn lợn nái, nguồn cung con giống cho hoạt động sản xuất chăn nuôi tăng lên, chuẩn bị cho nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong nước các tháng cuối năm và dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2018.

Dự báo diễn biến năm 2018 của ngành chăn nuôi lợn

Công ty tư vấn IPSOS dự đoán nhiều trang trại chăn nuôi sẽ quay trở lại việc nuôi lợn khi thị trường được cân bằng hơn. Tổng nguồn cung cấp lợn thịt sẽ tiếp tục tăng và đạt mức 41 triệu con trong năm 2018. Mặc dù tăng so với năm 2017 nhưng số lượng này chỉ bằng 75% năm 2016.

Những khó khăn trong xuất khẩu lợn theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc sẽ tiếp diễn và sẽ khó phục hồi như thời kỳ đỉnh điểm của năm 2015 - 2016.  IPSOS dự đoán xuất khẩu lợn sống qua đường tiểu ngạch của Việt Nam năm 2018 đạt 2,41 triệu con, tương đương 6.600 con/ngày. Xuất khẩu sang các thị trường láng giềng vẫn sẽ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản xuất chăn nuôi lợn  nội địa, duy trì ổn định ở mức xấp xỉ 18.000 tấn thịt lợn hơi trong năm 2018.

Với nhu cầu tiêu thụ thịt lợn nội địa vẫn tiếp tục tăng đều, trong khi nguồn cung sẽ tăng với tốc độ chậm ở mức khống chế, dẫn đến số lượng lợn thịt dư thừa trên thị trường giảm từ 7,05 triệu con năm 2016 xuống còn khoảng 100.000 con vào năm 2018.

         

Lượng heo dư thừa dự kiến chỉ còn khoảng 100.000 con vào năm 2018, so với mức 7,05 triệu con tại năm 2016. Ảnh: Ipsos Business Consulting

Cuộc khủng hoảng thị trường hiện tại dẫn đến việc heo nái Việt Nam được khống chế tăng ở mức ổn định, nguồn cung so với nguồn ra thị trường của heo thịt sẽ được cân bằng hơn trong tương lai gần. Điều này sẽ đẩy giá heo hơi tại trại tăng trở lại. Việc giảm đàn heo nái còn tạo ra cơ hội cho trang trại nuôi heo tập trung vào việc tăng cường năng suất và hiệu quả trong tương lai.

Bên cạnh đó, năm 2018 ngành chăn nuôi xây dựng quy trình chăn nuôi hữu cơ, phát triển sản xuất theo chuỗi, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bênh và chăn nuôi theo VietGAHP… Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi. 

Từ những phân tích về thị trường trên, các chuyên gia dự báo giá lợn năm 2018 sẽ tăng nhưng với tốc độ chậm.

Khuyến cáo bà con:

Việc tăng giá lợn có thể làm bà con tái và tăng đàn lợn trở lại thay vì cắt giảm, vòng khủng hoảng thị trường sẽ tiếp tục diễn biến. Vậy nên bà con cần thận trọng trong tái đàn, theo dõi kỹ diễn biến thị trường và căn cứ vào hệ thống thông tin chính thống từ các cơ quan nhà nước. Tránh tình trạng khi giá tăng cao, vào đàn cùng một lúc, sau đó lại bán lợn cùng lúc, gây dư thừa, giá lại giảm, gây thua lỗ. Bên cạnh đó, bà con phải tùy quy mô chuồng trại mà vào lợn nái ở quy mô vừa phải.

Bà con có thể tiết kiệm được nhiều chi phí chăn nuôi nhờ thực hiện một số phương thức như: giảm chi phí sử dụng thuốc thú y bằng cách sử dụng thuốc thảo mộc hoặc những loại thuốc thú ý có cùng hoạt chất do Việt Nam sản xuất thay cho thuốc nhập ngoại đắt tiền, sử dụng con giống khỏe mạnh, áp dụng biện pháp an toàn sinh học để kiểm soát dịch bệnh, phối trộn thức ăn cho lợn với nguyên liệu thay thế phù hợp…

Các chuyên gia khuyến cáo bà con nên định hướng giải pháp lâu dài là người chăn nuôi nên phát triển sản xuất theo chuỗi, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bênh và chăn nuôi theo VietGAHP để nâng cao chất lượng thịt, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó bà con nên xem xét các khả năng đầu tư vào giết mổ và chế biến thịt sâu, đồng thời tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ và cơ hội xuất khẩu,…

Theo phân tích của chuyên gia Agritech

(Tham khảo:  gappingworld.com, VnExpress, nhachannuoi.vn)

 


Xem thêm