Trồng "rau vua" - đầu tư một lần rủng rỉnh thu hoạch 8 đến 10 năm sau.

2018-08-22 17:23:02

Không ít bà con mong muốn làm giàu từ măng tây nhưng những rào cản về kỹ thuật đã khiến cho bà con đặt ra vô vàn câu hỏi: Có nhiều người trồng măng tây không? Kĩ thuật trồng có khó không? Tổng chi phí đầu tư là bao nhiêu? Đầu ra có đảm bảo không?...Để trả lời những câu hỏi này, sau đây chúng tôi xin giới thiệu đến bà con một cách tổng quan về nghề trồng cây măng tây.

Măng tây xanh được coi như một dạng thực phẩm chức năng có nhiều giá trị dinh dưỡng như hàm lượng đạm, protit, vitamin cao, lại có giá trị về dược liệu, cho nên giá trị kinh tế của cây măng tây cao hơn hẳn các loại rau khác. Ưu điểm lớn nhất khi trồng măng tây xanh là một lần trồng có thể cho thu hoạch trên 10 năm và thời gian càng lâu thì năng suất càng tăng. Do đó, tiết kiệm được chi phí đầu tư và không phải tái sản xuất. Tuy mới được trồng thương phẩm ở nước ta trong vài năm trở lại đây nhưng măng tây đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân trên cả nước. Mặt khác, thị trường hiện nay của loại cây này vẫn đang rất rộng mở, cả trong nước và xuất khẩu.

Trồng măng tây có khó không?

Xin thưa rằng trồng măng tây cũng như các loại nông sản khác, đều phải áp dụng đúng các kĩ thuật mới sinh trưởng và cho năng suất cao. Măng tây là loại có khả năng chịu hạn rất tốt, thích hợp để trồng ở những vùng có khí hậu nhiệt đới.  Yếu tố quan trọng nhất cần chú ý chính là độ pH của đất. Cây sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 15 đến 30°C, do đó có thể trồng vào 2 thời vụ:

  • Gieo cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 để trồng tháng 2, tháng 3
  • Gieo cuối tháng 2 đến tháng 4 để trồng từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch.

Hạt giống măng tây xanh f1 nhập khẩu từ mỹ

Điều kiện vườn trồng:

Vùng đất có thành phần cơ giới nhẹ: là một loại đất cát đỏ, cát trắng ven biển, các cồn cát.

Khu vực đất cồn, đất phù sa mới bồi ven sông;

Đất pha cát: luôn đảm bảo tỉ lệ cát chiếm 30%-60%;

Các Loại đất đỏ bazan;

Đất đồi núi không có đá ngầm hoặc sạn sỏi quá lớn

Chú ý: Tất cả các loại đất trên phải  luôn đảm bảo:

+ Tầng canh tác 50-100cm, đào 30cm mà thấy đất sét thì nên cải tạo đất

+ Không chứa đá ngầm, chất độc hại và mỏ kim loại nặng.

+ Đất không trồng qua những cây làm hại đất như: cao su, thuốc lá,…

+ Vùng đất bằng phẳng không triền dốc quá 10%, sử dụng lâu dài 10-30 năm.

+ Khí hậu tương đối ổn định, không nóng quá, không lạnh quá lâu, nhiệt độ trung bình từ 20-300C. Tốt nhất là 250C.

+ Độ PH = 6.5-7.5 .

+ Thoát nước tốt, không bị ngập úng, mực nước ngầm sâu dưới mặt đất 1m.

+ Thời gian nắng 6-8h/ngày.

+ Phải luôn giữ độ ẩm 50%-60% trong đất trồng.

Măng tây xanh trồng ở đất đỏ bazan – Tây Nguyên

Lưu ý phòng bệnh:

Cây măng tây xanh rất ít bệnh và mẫn cảm với thuốc bảo vệ thực vật, nên nông dân cần chú ý cách chăm sóc, hạn chế sử dụng thuốc. Chú ý khi thời tiết giao mùa đặc biệt là mùa mưa chúng ta cung cấp thêm các loài nấm đối kháng để phòng chống cho cây không bị các loại nấm gốc tấn công (phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh). Để phòng bệnh nấm mốc, bà con cần rắc vôi bột cho cây. Thân cây măng tây xanh non nên cần chú ý phòng, trị các các loại sâu, rệp, côn trùng. Khi bị bệnh cần nhổ, đốt sạch những cây bị dịch bệnh để triệt tận gốc mầm bệnh cho những cây còn lại; chữa hết bệnh rồi mới dưỡng cây. Không nên bón mùn cưa để tăng độ ẩm cho đất, bởi khi gặp trời mưa sẽ dư độ ẩm và gây bệnh.

Thời gian thu hoạch:

Bà con nên thu hoạch măng từ 4 - 6 giờ sáng hoặc lúc tối vì lúc ấy là thời điểm cây cho lượng dinh dưỡng cao nhất. Nếu thu hoạch vào lúc mặt trời mọc, cây măng tây có thể bị đắng và hàm lượng dinh dưỡng không cao.

Cây măng tây xanh có thể thu hoạch suốt cả tháng, cả năm. Tuy nhiên để cho năng suất tốt, chất lượng cao, nông dân chỉ nên thu hoạch khoảng 6 tháng/năm. Khi cây mẹ đã già cần ngưng thu hoạch khoảng 2 tuần để cho cây con cứng cáp thay thế cây mẹ, sau đó mới tiếp tục thu hoạch, đừng “mải mê” khai thác mà không tái sinh cây mẹ nên cây cũng lụi dần.

Măng tây được thu hoạch sau 8 – 9 tháng

Thời tiết tại miền bắc trồng măng tây xanh có khó khăn gì không?

Như chúng ta đã biết, khí hậu miền bắc nước ta rất khắc nghiệt. Có 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Đặc tính của 4 mùa tại miền bắc rất phức tạp. Mùa đông, lạnh dưới 15 độ, cây măng tây trong trạng thái ngủ đông, trong khi đó mùa xuân là mùa thích hợp nhất cho măng tây phát triển. Nếu vào mùa hè nắng quá 39 độ măng cong héo thì tiếp đó là mùa thu, mưa nhiều chứa nhiều axit khiến cho nấm bệnh phát triển mạnh. Với bất kỳ loại giống măng tây nào cũng không thể chịu được toàn bộ 4 mùa nên tại miền bắc phải chấp nhận một mùa không thu hoạch.

Chọn giống măng tây phù hợp với khí hậu miền bắc:

Với khí hậu biến đổi như miền bắc, việc chọn giống vô cùng quan trọng, có thể loại UC157,… cho năng suất cao tại miền Nam nhưng ra miền bắc lại có những hạn chế nhất định. Theo các kỹ sư có kinh nghiệm thì Jersey F1 là giống phù hợp nhất hiện nay cho thị trường măng tây miền Bắc.

Tóm lại, để trồng được măng tây với quy mô lớn, bà con cần đáp ứng các yêu cầu: 

1. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đáp ứng điều kiện nêu trên.

2. Điều kiện vận chuyển hàng hóa:

Các khu vực gần đường lớn, có các tuyến xe liên tỉnh qua lại, thời gian vận chuyển nhanh, chi phí vận chuyển thấp sẽ thuận tiện hơn trong việc luân chuyển hàng hóa.

3. Hệ thống tưới tiêu

Với tình hình hiện tại của măng tây, nếu trồng quy mô quá nhỏ sản lượng quá ít sẽ không đáp ứng đủ điều kiện hàng hóa, do măng tây chỉ đạt lợi nhuận khi được trồng với số lượng đủ lớn. Khi có một diện tích để tạo ra sản lượng từ 20-30kg/ngày (10 sào bắc bộ trở nên) thì chúng ta nên đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động, các khu vực dự trữ nước sạch để đảm bảo quá trình phát triển tốt cho cây.

4. Nhân công lao động

Việc trồng cũng như chăm sóc măng tây đòi hỏi đội ngũ nhân công lao động có đầy đủ kỹ năng , vốn hiểu biết nhất định về quá trình phát triển của cây măng tây đảm bảo các vấn đề về sâu bệnh, kĩ thuật chăm bón măng được giải quyết triệt để khi gặp phải.

5. Vốn trồng măng tây

Thực tế chúng tôi thấy rằng chi phí ban đầu trồng măng tây khá cao, 1 ha tương ứng với khoảng 50 – 60 triệu đồng. Vì vậy bà con nên cân đối kỹ các chi phí đầu tư và lợi nhuận để đưa ra những quyết định sáng suốt. Năm đầu tiên chúng ta phấn đầu hóa vốn, năm thứ 2 mọi chi phí tối giản hơn, cây măng khỏe hơn sẽ cho ra sản lượng tốt hơn. Chúng tôi ước tính 1 ha măng tây cho thu hoạch trong vòng 200 ngày đạt doanh thu 500 triệu - 1 tỷ đồng. Đầu ra lại ổn định nên bà con yên tâm sản xuất.

Măng tây có thể trồng bằng hạt hoặc bằng cây. Thời gian trồng bằng hạt tuy có lâu hơn 3 tháng nhưng có thể tiết kiệm được khoản chi phí khá lớn như cây giống . Ngoài ra, bà con có thể tận dụng những phụ phẩm sẵn có để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế:

Măng tây xanh còn được gọi là “rau vua” trên thị trường quốc tế. Người trồng măng tây xanh luôn có lãi cao, gấp 3 lần so với cây bắp, đậu. Cây này đang trên đà phát triển khá mạnh, sản phẩm cung cấp nhiều cho nhà hàng, quán ăn, siêu thị tại thị trường các tỉnh phía nam.

Doanh thu của măng tây mang lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: giống, đất đai, công chăm sóc. Với chi phí đầu tư ban đầu cho 1 ha tương ứng với khoảng 50 – 60 triệu đồng, sau khi trồng khoảng 6 tháng cây sẽ cho năng suất ổn định, khoảng 20 tấn/ha. Nhưng theo như những con số thực tế của một vài hộ chúng tôi thấy rằng trong 1ha măng tây sản lượng giao động từ 50kg – 100kg/ngày. Nếu thời tiết ấm áp nhiệt độ giao động 25-30 độ C, sản lượng có thể vọt lên 120k-150k/ngày! (Các bác lưu ý 1 năm thu hoạch 200 ngày thôi nhé!)

Thời gian khai thác của cây măng tây kéo dài 8 - 10 năm, nếu quá trình trồng chăm sóc cây tăng cường phân hữu cơ đầy đủ sẽ có khả năng nâng cao được năng suất và giá trị.

Lãi hơn 60 triệu đồng/năm/sào

Với diện tích 3 sào măng tây xanh, mỗi ngày ông Hải ở Hà Nội  thu hoạch 10 – 20kg/sào. Có những thời điểm thu hoạch trên 30kg/ngày/sào. Măng tây xanh của ông được các thương lái thu mua tại chỗ với giá dao động từ 50.000 – 70.000 đồng/kg.

Như vậy, tính bình quân mỗi năm trừ các chi phí thì lãi trên 60 triệu đồng/sào. Theo ông Hải, trồng măng tây có nhiều ưu điểm như trồng 1 lần nhưng cho thu hoạch nhiều năm, giá bán ra luôn luôn ổn định, thương lái bao tiêu ngay tại chỗ.

Tóm lại, cây măng tây xanh là một đối tượng cây trồng mới, có thị trường tiêu thụ khá lớn trong và ngoài nước; là đối tượng cây trồng cho giá trị kinh tế rất cao, góp phần nâng cao thu nhập nông nghiệp. Việc trồng cây măng tây đơn giản, có thể tận dụng được lao động nhàn rỗi và người lớn tuổi trong nông thôn hiện nay, phù hợp để chọn làm cây trồng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số công ty cung cấp giống, kĩ thuật, và bao tiêu đầu ra, bà con có thể liên hệ. Hoặc gọi đến tổng đài 1533 để được tư vấn miễn phí về kĩ thuật và giới thiệu một số cơ sở mua bán măng tây uy tín.

CÔNG TY TNHH NÔNG SẢN DŨNG HÀ

Cơ sở 1: số A11 ngõ 100 đường Trung Kính quận Cầu Giấy Tp. Hà Nội

Cơ sở 2: số 1 Vĩnh Phúc quận Ba Đình Tp. Hà Nội

Cơ sở 3: 59 đường Giáp Bát quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội

Cơ sở 4: xã Thái Bảo – Huyện Gia Bình – Tỉnh Bắc Ninh

Theo chuyên gia Agritech

Bài viết có sử dụng tư liệu của một số trang báo: danviet.vn, trangtraiviet.vn,mangtay.net, baokontum.com.vn, enternews.vn, hoinongdan.binhphuoc.gov.vn, sonongnghiep.hochiminhcity.gov.vn.


Xem thêm

Nghề nuôi chim trĩ đỏ

Hơn 3 năm qua, nhờ nghề nuôi chim trĩ đỏ (chim trĩ) mà kinh tế gia đình khấm khá hơn, sau khi trừ hết chi phí, gia đình bà có thu nhập khoảng 15 triệu

Làm giàu từ nghề nuôi cá bớp

Cá bớp là một trong những cơ hội phát triển tốt về kinh tế cho bà con nông dân. Bởi vì loài cá này được biết đến là loài cá có nhiều chất dinh dưỡng